Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của ADB
VOV.VN - Thủ tướng mong muốn Ngân hàng ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam được nhận nguồn vốn ưu đãi ADF hoặc không phải trả nợ nhanh nguồn vốn này.
Chiều nay (30/3), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Ngài Takehiko Nakao.
Cảm ơn ADB dành 613 triệu USD vốn vay ưu đãi (ADF) cho Việt Nam trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng hết và hiệu quả nguồn vốn này.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Ngài Chủ tịch Takehiko Nakao trở lại thăm Việt Nam, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội. Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của ADB trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh GMS lần 6.
Nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng hợp tác khu vực GMS, CLV và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như ADB và các đối tác phát triển, Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn ADB sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác này.
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao. |
Chúc mừng những thành công của Việt Nam về kinh tế xã hội thời gian qua, tăng trưởng kinh tế cao, vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, Ngài Chủ tịch đánh giá cao Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn. Việt Nam là đối tác quan trọng của ADB và ADB mong muốn tiếp tục cung cấp vốn cho Việt Nam, nhất là khi hiện nay, kinh tế Việt Nam phát triển tốt, Chính phủ tiết kiệm chi tiêu nên tỷ lệ nợ công/GDP chỉ còn khoảng 61%.
Cho biết trong năm nay ADB dành nguồn vốn vay ưu đãi ADF cho Việt Nam trị giá khoảng 613 triệu USD, Ngài Chủ tịch mong muốn Việt Nam sử dụng nguồn vốn này hiệu quả đồng thời gợi ý một số lĩnh vực nên đầu tư, trong đó có lĩnh vực tài chính. ADB mong muốn giữa năm nay sẽ có danh sách các dự án sử dụng nguồn vốn này và đến quý III có thể thông qua.
Ngài Chủ tịch cho biết, với mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và ADB thời gian qua, ADB không mong muốn Việt Nam phải trả nợ nhanh các khoản vay. Sau khi Việt Nam tốt nghiệp ADF, ADB cùng một số đối tác dự kiến có thể tiếp tục dành khoản vay khoảng 1 tỉ USD cho Việt Nam với lãi suất thấp để hỗ trợ Việt Nam đầu tư phát triển, nhất là lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. ADB cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhiều lĩnh vực khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tán thành với các quan điểm và đánh giá của Ngài Chủ tịch ADB nêu ra, đồng thời cho biết, Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cá nhân Ngài Takehiko Nakao trong việc điều hành và xây dựng chiến lược phát triển tổng thể của ADB đến năm 2030.
Chính phủ Việt Nam ủng hộ chiến lược 2030 của ADB nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các vấn đề như nghèo đói, phát triển không đồng đều, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân.
Thủ tướng bày tỏ đánh giá cao chính sách sáp nhập nguồn vốn giá rẻ và nguồn vốn vay đặc biệt vào một bảng cân đối tài sản của ADB, góp phần tăng nguồn lực cho vay cho các nước thành viên (tăng từ 14 tỷ USD năm 2014 lên dự kiến 20 tỷ USD năm 2020). Đây là nguồn lực rất quan trọng hỗ trợ các nước thành viên ADB, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả, thực chất trong quan hệ hợp tác Việt Nam và ADB, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với ADB và xem ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn. ADB đã tài trợ cho Việt Nam trên 165 chương trình/dự án với tổng trị giá hơn 16 tỷ USD, và nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả đối với kinh tế xã hội Việt Nam, nhất là phát triển các hạ tầng đường, hệ thống điện, thủy lợi, trường học, bệnh viện…
Tán thành với những đánh giá của Ngài Chủ tịch ADB về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ các lĩnh vực nền kinh tế trong đó có cải cách lĩnh vực tài chính ngân hàng và mong muốn nhận được sự hỗ trợ của ADB.
Cho biết Việt Nam vẫn đang tiếp tục gặp phải nhiều thách thức, khó khăn, Thủ tướng mong muốn ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, tiếp tục cho Việt Nam được nhận nguồn vốn ưu đãi ADF hoặc không phải trả nợ nhanh nguồn vốn này như chính sách của Ngân hàng Thế giới.
Thủ tướng cũng đề nghị ABD tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và tư vấn chính sách; cung cấp nguồn vốn viện trợ kết hợp với dự án vốn vay để giảm điều kiện vay nhằm hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế, giảm nghèo…
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, phối hợp với ADB để tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần này./.
ADB bổ sung 2 ngân hàng Việt Nam vào chương trình tài trợ thương mại