Việt Nam đang ở đâu trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội?

VOV.VN - Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996), Đảng ta xác định, Việt Nam đã bước qua chặng đường đầu của thời kỳ quá độ đi lên CNXH. từ 1996 đến nay, chúng ta đang ở chặng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bàn luận về cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt mới đây, PGS.TS Đỗ Thị Thạch – Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện được mục tiêu cơ bản của CNXH vào khoảng giữa thế kỷ XXI như Cương lĩnh 2011 xác định, nhất định chúng ta phải đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của CNXH.

PV: Con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là con đường chưa có tiền lệ, chắc chắn sẽ có nhiều “chông gai”, thưa bà?

PGS.TS Đỗ Thị Thạch: Con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở Việt Nam đúng là chưa có tiền lệ trong lịch sử nhưng đây là con đường có tính tất yếu khách quan, phù hợp với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng Bí thư đã chỉ ra đây là một sự nghiệp khó khăn, lâu dài, vô cùng phức tạp, vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những khó khăn, thách thức mang tính khách quan và lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ, đó là Việt Nam đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, do vậy lực lượng sản xuất rất thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật, đời sống tinh thần lạc hậu. Cùng với đó, chúng ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề, mà để khắc phục được những hậu quả này cần có thời gian không ngắn; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại những thành tựu của cách mạng, nhất là sau khi CNXH hiện thực ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ.

Bên cạnh đó, sự đấu tranh quyết liệt giữa các yếu tố XHCN với các yếu tố phi XHCN, gồm cả yếu tố tư bản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong môi trường kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế cũng là một thách thức lớn. Đây đúng là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ như ý kiến của Tổng Bí thư.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến những khó khăn, thách thức trong phát triển đất nước hiện nay trên các lĩnh vực. Cụ thể, về kinh tế: chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững, kết cấu hạ tấng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; môi trường ô nhiễm nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập… sự cạnh tranh quốc tế diễn ra quyết liệt.

Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn hạn chế; văn hóa, đạo đức có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên...

Trước những thách thức, khó khăn nêu trên, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thành công hay thất bại trong nắm vững và xử lý những khó khăn thách thức trước mắt và lâu dài phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân ta.

PV: Cương lĩnh năm 2011 xác định đến giữa thế kỷ XXI, nước ta đạt được những mục tiêu cơ bản của CNXH, tức là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việc xác định mục tiêu dài hơi như vậy có phải chúng ta đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu của CNXH? Vậy chúng ta đang đi ở đâu trên chặng đường đi lên CNXH, thưa bà?

PPG.TS Đỗ Thị Thạch: Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đi lên CNXH cần phải trải qua một thời kỳ quá độ nhằm chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần cho CNXH, không được nóng vội, chủ quan, phải “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của CNXH.

Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng chỉ rõ, thời kỳ quá độ lên CNXH là thời kỳ khó khăn, phức tạp giống như “cơn đau đẻ kéo dài”. Đối với những nước có điểm xuất phát thấp, không trải qua chủ nghĩa tư bản, thì sự khó khăn, phức tạp của thời kỳ quá độ tăng lên nhiều lần, thậm chí thất bại có thể diễn ra nhiều lần.

Do vậy, để thực hiện được mục tiêu cơ bản của CNXH vào khoảng giữa thế kỷ XXI như Cương lĩnh 2011 xác định, nhất định chúng ta phải đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của CNXH. Đây chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn 2045 như trong Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định.

Trong thời kỳ đổi mới, tại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) Đảng ta đã xác định, Việt Nam đã bước qua chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH (gắn với dấu mốc đất nước ra khỏi khủng hoảng KT-XH); từ 1996 đến nay, chúng ta đang ở chặng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo tinh thần ĐH lần thứ XIII của Đảng, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ có các chặng nhỏ gắn với mục tiêu đến năm 2025 có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 có công nghiệp hiện đại. Nếu các mục tiêu phát triển công nghiệp của các chặng nêu trên đạt được sẽ là tiền đề, cơ sở để chúng ta đạt mục tiêu năm 2045: Trở thành nước phát triển có thu nhập cao và mục tiêu tổng quát của CNXH Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XXI cũng sẽ là hiện thực.

PV: Trên con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam, Tổng Bí thư nói rằng, cần phải học hỏi và đúc kết kinh nghiệm của thế giới?

PGS.TS Đỗ Thị Thạch: Đối với Việt Nam, việc tiếp thu, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của thế giới để xây dựng CNXH như ý kiến của Tổng Bí thư là một trong những nhiệm vụ tất yếu khách quan. Nhiệm vụ này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình xây dựng CNXH.

Cụ thể, về mặt nhận thức, chúng ta khắc phục được một số quan niệm đơn giản trước đây về CNXH, thời kỳ quá độ đi lên CNXH (đồng nhất mục tiêu cuối cùng của CNXH với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều về quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với CNTB; đồng nhất Nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản…).

Về mặt thực tiễn, tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm thế giới, chúng ta sẽ có điều kiện để phát triển nhanh được lực lượng sản xuất, xây dựng được nền kinh tế hiện đại – đây là một trong những đặc trưng cơ bản hết sức quan trọng của CNXH; tham khảo được kinh nghiệm để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện đại; chúng ta có thêm các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa – xã hội – môi trường (Phát triển giáo dục – đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tốt, bổ sung những giá trị văn hóa thế giới để tăng cường tính tiên tiến trong xây dựng nền văn hóa, thực hiện an sinh xã hội, giải quyết các hậu quả của chiến tranh,…) góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Nói bỏ qua chế độ TBCN là bỏ qua chế độ áp bức, bóc lột TBCN; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua tất cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển CNTB. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển.

PV: Xin cảm ơn bà!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều nước vẫn kiên trì đi theo con đường CNXH, trong đó có Việt Nam
Nhiều nước vẫn kiên trì đi theo con đường CNXH, trong đó có Việt Nam

VOV.VN - Việt Nam đã từng bước sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế do chủ quan, duy ý chí, nóng vội khi xây dựng CNXH mà Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây đã vấp phải.

Nhiều nước vẫn kiên trì đi theo con đường CNXH, trong đó có Việt Nam

Nhiều nước vẫn kiên trì đi theo con đường CNXH, trong đó có Việt Nam

VOV.VN - Việt Nam đã từng bước sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế do chủ quan, duy ý chí, nóng vội khi xây dựng CNXH mà Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây đã vấp phải.

Cuốn sách về CNXH của Tổng Bí thư đúc kết khoa học lý luận và thực tiễn
Cuốn sách về CNXH của Tổng Bí thư đúc kết khoa học lý luận và thực tiễn

VOV.VN - Nội dung bao trùm cuốn sách là sự tổng kết toàn diện, sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, khẳng định mạnh mẽ và nhất quán về CNXH ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuốn sách về CNXH của Tổng Bí thư đúc kết khoa học lý luận và thực tiễn

Cuốn sách về CNXH của Tổng Bí thư đúc kết khoa học lý luận và thực tiễn

VOV.VN - Nội dung bao trùm cuốn sách là sự tổng kết toàn diện, sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, khẳng định mạnh mẽ và nhất quán về CNXH ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

CNXH ở Việt Nam – Mô hình CNXH của riêng Việt Nam
CNXH ở Việt Nam – Mô hình CNXH của riêng Việt Nam

VOV.VN - Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tâm huyết, trăn trở của Tổng Bí thư về CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp, có nhiều biến cố.

CNXH ở Việt Nam – Mô hình CNXH của riêng Việt Nam

CNXH ở Việt Nam – Mô hình CNXH của riêng Việt Nam

VOV.VN - Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tâm huyết, trăn trở của Tổng Bí thư về CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp, có nhiều biến cố.