Việt Nam tham gia tích cực hoạt động ngoại giao đa phương
VOV.VN - Năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế thông qua hoạt động ngoại giao đa phương.
Năm 2013, có thể nói là năm thành công rực rỡ của ngoại giao Việt Nam. Theo đó, ngoài những hoạt động ngoại giao trong nước, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới. Nhân dịp này phóng viên VOV online phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc về sự tham gia của Việt Nam vào diễn đàn đa phương năm 2013 và những nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2014.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết trong năm 2013 vừa qua, chúng ta đã tham gia, đóng góp như thế nào vào các hoạt động tại các diễn đàn đa phương?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trong những năm sau đó, ngoại giao đa phương đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc thống nhất, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ các cuộc đấu tranh ngoại giao trong đàm phán nhiều bên của Hội nghị Geneva đến Hội nghị Paris, rồi đến quá trình tham gia Liên Hợp Quốc từ năm 1977, ngoại giao đa phương Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La (Ảnh: VGP) |
Về duy trì môi trường hoà bình và ổn định, ngoại giao đa phương đã phát huy đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, yêu chuộng hoà bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam ở các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực vào việc giảm căng thẳng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở các khu vực trên thế giới.
Hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta tại các diễn đàn đa phương đã thể hiện vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội đồng LHQ khóa 68 tháng 9/2013 về “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” và việc Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chung về hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ trương giải quyết hòa bình các xung đột trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế... đã được các nước và dư luận quốc tế đánh giá cao.
Tại Đối thoại Shangri-La, Singapore tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã chính thức công bố việc Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Quyết định này khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, ủng hộ các mục tiêu cao cả của LHQ về duy trì hòa bình trên thế giới.
Bên cạnh đó, ta luôn chú trọng bảo vệ các lợi ích thiết thân của mình, nhất là trên các vấn đề an ninh, chủ quyền lãnh thổ, nhân quyền. Ta đã chủ động, có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chung vì quyền con người trên trường quốc tế, đã được ghi nhận và bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu). Trong năm 2013, ta đã tiến hành đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm tăng cường sự hiểu biết, qua đó giảm thiểu và vô hiệu hóa những nỗ lực muốn lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền để chống phá ta. Tại các diễn đàn đa phương, ta tiếp tục đấu tranh ngoại giao kịp thời khẳng định và giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển; tranh thủ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Về hợp tác-phát triển, ngoại giao đa phương đã chú trọng nghiên cứu các vấn đề lớn về kinh tế, thương mại, quản trị toàn cầu; kịp thời tham mưu về những chuyển biến mới của hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế quốc tế, để từ đó đóng góp cho việc xây dựng các định hướng dài hạn về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế của ta.
Ta đã tham gia tích cực, có nhiều đóng góp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trên tinh thần chủ động với nhiều sáng kiến đồng thời lồng ghép các ưu tiên, quan tâm của ta, như tại khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hợp tác tiểu vùng Mekong… Chúng ta hiện đang triển khai đàm phán với một loạt khuôn khổ thương mại tự do lớn như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP), Khu vực mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA)… Hợp tác với các cơ quan phát triển LHQ tiếp tục là kênh quan trọng hỗ trợ Việt Nam từng bước tiến hành hội nhập quốc tế và khu vực; là nguồn hỗ trợ vốn, tri thức, giúp xây dựng chính sách phát triển và nâng cao năng lực quản lý của ta trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) và một số tổ chức khác đã và đang tiếp tục hỗ trợ ta triển khai hàng loạt dự án chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học trên nhiều lĩnh vực. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tiếp tục giành nhiều dự án cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Vị thế của ta trên trường quốc tế được nâng cao, nhờ việc ta luôn chủ động đóng góp vào các công việc chung tại các tổ chức quốc tế. Ta đã tham dự đầy đủ và ở cấp cao các hội nghị lớn của LHQ, các hội nghị quốc tế về phát triển xã hội, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, các hội nghị của phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ…và không dừng ở đó, ta đã chủ động có những đóng góp, sáng kiến cụ thể, có ý nghĩa thực tiễn. Vị thế của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế càng được nâng cao qua tuyên bố của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 tháng 10/2013 về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017, qua sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đối với công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 năm 2015.
Bên cạnh đó, ta đã tham gia nhiều và thực chất hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Năm 2013, ngoài việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2014-2017, ta đã được bầu là thành viên Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2015 và hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thống đốc của Cơ quan này trong 2 năm 2013-2014; ta cũng đang tiếp tục là thành viên của Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2013-2016.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao đa phương Việt Nam trong năm 2014?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Trong năm 2014, chúng ta sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Theo đó, chúng ta sẽ chủ động, tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các thể chế đa phương; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đại diện các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (Ảnh: VGP) |
Thứ nhất, chúng ta sẽ chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động tại các diễn đàn, các tổ chức quốc tế và khu vực như LHQ, APEC, ASEM...; phối hợp thúc đẩy các cuộc đàm phán kinh tế, thương mại quan trọng, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu (EU); tranh thủ mức cao nhất các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và khu vực, nhất là LHQ, cũng như từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhằm góp phần phát triển đất nước. Chúng ta sẽ tham gia các hội nghị lớn về phát triển, biến đổi khí hậu, an ninh hạt nhân…, nỗ lực đảm đương tốt vai trò thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Chủ tịch và thành viên Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Chúng ta cũng đẩy mạnh công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 tại Hà Nội vào tháng 3/2015.
Thứ hai, chúng ta cần tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp vào việc củng cố đoàn kết nội khối và xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội; tham gia sâu hơn vào đối thoại, hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch; thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường giao lưu nhân dân. Chúng ta cũng sẽ tích cực tham gia vào các cuộc tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm tiến tới ký Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Thứ ba, trong lĩnh vực nhân quyền, chúng ta sẽ tham gia tích cực tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Ủy ban Nhân quyền ASEAN; bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ II của LHQ; chủ động thúc đẩy và tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực nhân quyền, qua đó giảm thiểu và vô hiệu hóa việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá ta.
Thứ tư, chúng ta cần chuẩn bị và triển khai tốt việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, qua đó khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, ủng hộ các mục tiêu cao cả của LHQ.
Tôi tin rằng, với quyết tâm cao triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, chúng ta sẽ thực hiện hiệu quả ngoại giao đa phương và đạt được nhiều thành tựu trong năm mới Giáp Ngọ này, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế cho đất nước./.