Việt Nam thúc đẩy các sứ mệnh “xây dựng hoà bình trong tâm trí con người” tại UNESCO
VOV.VN - Trong hai ngày 4 - 5/4, tại Paris, Pháp đã diễn ra Phiên họp toàn thể của Hội đồng Chấp hành lần thứ 214 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) với sự tham dự của 58 quốc gia thành viên.
Đây là kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Chấp hành (HĐCH) nhiệm kỳ 2021-2025 nhằm triển khai những quyết định quan trọng, mang tính định hướng của UNESCO trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam đã có những phát biểu quan trọng đóng góp cho phiên họp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, phiên họp diễn ra ở thời điểm quan trọng. Tác động của các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột vũ trang không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, làm gia tăng bất bình đẳng, xóa bỏ thành tựu phát triển của nhân loại, mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng, cuộc sống của người dân, hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới.
Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, sứ mệnh “xây dựng hòa bình trong tâm trí con người” của UNESCO càng cần được trân trọng và theo đuổi. UNESCO và Phiên họp HĐCH kỳ này cần tập trung vào việc đưa ra các bước đi cụ thể trong các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, khoa học, thông tin truyền thông; thực hiện tầm nhìn và Chiến lược Trung hạn giai đoạn 2022-2029, Chương trình và ngân sách giai đoạn 2022-2025, thúc đẩy một số vấn đề mới như: Khoa học Mở, Vấn đề đạo đức trong Trí tuệ nhân tạo, Tương lai giáo dục... đóng góp cho việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục của Liên Hiệp quốc vào tháng 9/2022 tại New York và cuộc họp trù bị sắp tới tại Paris.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương nói chung và vai trò UNESCO nói riêng; cam kết Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, chủ động hơn nữa cho UNESCO với tư cách là thành viên HĐCH nhiệm kỳ 2022- 2025.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã có cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội Đồng UNESCO và Trưởng đoàn các nước để thúc đẩy hợp tác đa phương, vận động cho ứng cử của Việt Nam làm thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng đã có các cuộc tiếp xúc với bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, làm việc với Phó Tổng Giám đốc UNESCO, Trợ lý Tổng Giám đốc về đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003… để trao đổi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong thời gian tới, nhằm thực hiện “Bản ghi nhớ Hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025” được ký năm 2021 trong chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bà Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với hợp tác của UNESCO nói chung và cam kết sẽ nỗ lực hết sức cùng Ban Thư ký triển khai các biện pháp tăng cường quan hệ giữa UNESCO và Việt Nam trong năm 2022, một năm nhiều ý nghĩa kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập UNESCO. Bà Tổng Giám đốc UNESCO cũng vui vẻ nhận lời thăm Việt Nam trong năm 2022.
Tối 5/4, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có buổi gặp gỡ với cộng đồng Người Việt Nam tại Pháp. Thứ trưởng đã biểu dương Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) với vai trò là hạt nhân nòng cốt và trung tâm đoàn kết đã có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước và cộng đồng; chia sẻ thông tin về tình hình trong nước cho cộng đồng để có thể hiểu rõ hơn về đất nước. Thứ trưởng đã lắng nghe nguyện vọng của bà con cũng như các đề xuất về chính sách đối với Người Việt Nam ở nước ngoài và bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt Nam tại Pháp sẽ tiếp tục phát triển, đoàn kết, có nhiều đóng góp cho xây dựng, phát triển quê hương cũng như tăng cường quan hệ Việt Nam- Pháp.
Kỳ họp HĐCH sẽ kéo dài đến ngày 13/4, thảo luận hơn 50 đề mục về các hoạt động của UNESCO trên các lĩnh vực chuyên môn gồm: văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin truyền thông, cũng như các vấn đề về tổ chức, tài chính, ngân sách, chương trình. Trong thời gian này, dự kiến HĐCH sẽ thông qua danh sách những công viên địa chất toàn cầu mới và mở rộng địa giới, trong đó có công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng của Việt Nam./.