"Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là quá trình liên tục, toàn diện"
VOV.VN - Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một quá trình liên tục, đòi hỏi toàn diện, bao quát.
Chiều nay (15/7), tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; ông Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Hội thảo nhằm nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, 92 năm qua, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đôi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, cùng với việc lãnh đạo, định hình, phát triển và hoàn thiện mô hình Chủ nghĩa xã hội Việt Nam với 3 trụ cột: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đồn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà. Mặc dù vậy, nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, có mặt còn lúng túng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp. Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Quan hệ giữa chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội còn chồng chéo. Chế độ trách nhiệm trong một số mô hình tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước cũng chưa phân định thật rõ ràng. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng tham gia quản lý, giám sát còn hạn chế, bất cập...
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là một nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra. Đây là yêu cầu tất yêu nhằm đáp ứng việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới phù hợp với tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua đó, phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham những, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, qua hai cuộc hội thảo đã được tổ chức ở khu vực miền Bắc và miền Nam, để Hội thảo lần này có nhiều ý nghĩa thiết thực, tiếp tục có thêm những đóng góp mới, hội thảo cần thảo luận rõ, làm sâu sắc hơn một số vấn đề mới, một số vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là một nhiệm vụ hệ trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
“Đây là một quá trình liên tục, liên thông: đòi hỏi tính toàn diện, bao quát nhưng phải rất cụ thể để đạt được sự tối ưu và sát hợp với thực tiễn; phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có quyết tâm cao nhưng không được chủ quan, nóng vội, mà cần có lộ trình thích hợp, làm đến đâu chắc đến đó. Điều này liên quan đến nhiều vấn đề mới và khó. Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, cần có kết luận cụ thể. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn và khi cần có thể tổ chức thí điểm", ông Thắng nhấn mạnh thêm./.