Phát huy vai trò của UBKT các cấp trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
VOV.VN - Thực tế công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã cho thấy vị trí, vai trò rất quan trọng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra các cấp trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Ngày 18/4/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, trong đó nêu rõ Ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật.
Thời gian gần đây những kết luận về các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong Đảng ngày càng được nhân dân mong đợi, đón nhận. Qua đó góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội, cho thấy cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng đang phát huy tốt vai trò, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2022, 26 tổ chức đảng với hơn 1.000 đảng viên vi phạm đã bị Uỷ ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật. Đặc biệt là 1 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, 1 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, những cơ quan có nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Những số liệu này cho thấy UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã khẳng định được bản lĩnh vững vàng, tính chiến đấu cao, có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch đề ra với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Trong đó, có nhiều vụ việc khó, phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đã được kịp thời kiểm tra, kết luận rõ và xử lý kỷ luật nghiêm minh, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng: “Khi bị phát hiện thì phải xử lý, dù là ai, không có vùng cấm. Điều đó Đảng không sợ mất uy tín mà càng tăng uy tín. Vi phạm đã lâu nhưng phát hiện lúc nào xử lý lúc đấy, đó là vấn đề cần được tích cực phát huy”.
Để tiếp tục phát huy vai trò và những kết quả trong công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ tình hình vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, có việc nghiêm trọng hơn, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội. Do đó một trong những yêu cầu đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh.
Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc rèn luyện, bản lĩnh của người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng: “Phải làm cho mình trong sạch, liêm khiết thì mới làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải là những "Bao công" trong thời đại mới”.
Ông Phan Xuân Lĩnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắc Lắk bày tỏ, những lời tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến cho những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng luôn suy nghĩ và hành động cho xứng đáng với trọng trách được giao phó.
“Những người làm công tác kiểm tra phải luôn trau dồi đạo đức phẩm chất, luôn học tập, tích lũy khả năng trí tuệ, tinh thần quyết đoán, quyết tâm nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, “thanh bảo kiếm” sắc biến để sử dụng trong quá trình kiểm tra, giám sát của Đảng. Thứ hai, phải quán triệt tinh thần trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt lực lượng thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng. Phải xây dựng đội ngũ, đội ngũ này luôn được nâng cao kể cả về trí tuệ, phẩm chất, đổi mới và phương pháp và có quyết tâm thật cao”, ông Phan Xuân Lĩnh nhấn mạnh.
Để thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Bộ Chính trị yêu cầu Ủy ban kiểm tra cấp trên thường xuyên, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm, các vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay tại cơ sở, chi bộ.
Về tầm quan trọng của nhiệm vụ này, ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư huyện uỷ Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở đảng bắt đầu thực hiện từ huyện ủy chúng tôi đã chỉ đạo và triển khai các cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành, ban thường vụ huyện ủy và xây dựng, kiểm tra, giám sát đối với các chi, đảng bộ trực thuộc và cũng yêu cầu các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện Vân Đồn. Thứ hai không đặt nặng số lượng các cuộc kiểm tra mà đi vào chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát để đảm bảo đúng người, đúng việc và xử lý nhanh, triệt để các vụ việc có vi phạm. Chúng tôi đã xử lý quyết liệt từ kỷ luật đảng và tiếp đó là kỷ luật về chính quyền, từ khiển trách cảnh cáo và thậm chí đã buộc thôi việc một số cán bộ đảng viên do vi phạm phẩm chất của người đảng viên”.
Từ thực tế công tác kiểm tra, giám sát nếu chỉ trông trờ vào các cấp ủy Đảng, vào ủy ban kiểm tra các cấp thì không thể bao quát và phát hiện sớm được những sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Do đó, tại Kết luận số 12, Bộ Chính trị đã mở rộng thành phần giám sát, với quy định cụ thể: “Phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Để thực hiện tốt quy định này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, người phát hiện ra sai phạm, tiêu cực.
“Bảo vệ bằng cách chúng ta phải xử lý nghiêm và vào cuộc xử lý nghiêm ngay tất cả những người có dấu hiệu tham nhũng. Sau đó mới đi xem xét bảo vệ người dân. Chứ chúng ta không máy móc chỉ bảo vệ người dân một cách thông thường. Theo tôi chỗ này phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế tức là phải hoàn thiện bộ máy, cơ cấu, và phương thức để chúng ta thực hiện việc bảo vệ người tố cáo”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Với trọng trách là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, do đó vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra các cấp là hết sức quan trọng.
Những kết quả trong hoạt động của Uỷ ban kiểm tra Trung ương thời gian qua đã cho thấy Đảng ta luôn “nói đi đôi với làm” bằng những hành động cụ thể với phương châm “không có vùng cấm" trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả này cùng với Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, mới được Bộ Chính trị ban hành đưa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng lên tầm cao mới, đóng góp ngày càng quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân vào Đảng, vào chế độ ta./.