Tránh tình trạng “đẻ” ra một phiên bản mới giống nghị quyết của Trung ương

VOV.VN - Thường trực Ban bí thư đề nghị, cần tránh tình trạng “đẻ” ra một phiên bản nghị quyết mới giống nghị quyết của Trung ương, đọc thì rất hay nhưng bao giờ xong, ai làm, thước đo như thế nào lại ít thể hiện.

Kết luận Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đã được xây dựng với rất nhiều điểm mới. 4 Nghị quyết là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Liên quan đến Nghị quyết 18 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ, Nghị quyết được xây dựng nhiều điểm mới như bãi bỏ quy định về khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường... và tin tưởng rằng, nếu thực hiện tốt sẽ tạo chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng “hai giá” đất như thời gian vừa qua.

“Khi làm nghĩa vụ với nhà nước, người dân muốn giá đất rẻ để nộp tiền ít. Khi thu hồi đất lại muốn có giá trị cao. Cho nên đấu giá thì giá khác, giao đất thì giá đất khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, cũng như cán bộ kỷ luật liên quan đến đất đai. Hay vấn đề tái định cư, có dự án 20 năm thực hiện rồi không tái định cư cho dân. Bây giờ phải đặt vấn đề coi trọng cuộc sống người dân, phải thực hiện tái định cư trước”, ông Thưởng phân tích.

Ông Võ Văn Thưởng cho biết, khi thu hồi đất có đánh giá tác động môi trường nhưng đánh giá tác động xã hội quan trọng hơn.

Về thu hồi đất trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân với doanh nghiệp để xây dựng những khu đô thị, nhà ở thương mại, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, trong cụ thể hóa nghị quyết trước đây có nhiều nội dung chưa tường minh, cho nên dẫn tới thẩm quyền của cơ quan có quyền thu hồi đất rất lớn. Lần này, nếu làm tốt những nội dung nghị quyết Trung ương nêu ra, chắc chắn về mặt chính trị xã hội sẽ có chuyển biến tốt, khiếu kiện khiếu nại của người dân về đất đai sẽ giảm, cán bộ bị xử lý liên quan đến đất đai chắc chắn sẽ giảm.

Không vào Đảng thì không làm quan được

Đề cập Nghị quyết về tổ chức cơ sở đảng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, rất hệ trọng, xét cho cùng mọi chuyện đều liên quan tới tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, vì vậy cần có sự thẳng thắn, có tính đột phá trong một số khâu của công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên.

“Tổng Bí thư có dẫn câu nói của Lê Nin "Thà ít mà tốt", vậy thà ít mà tốt là thế nào, rồi lời thề đảng viên như thế nào là sâu sắc. Khi có nguy cơ vi phạm lời thề đó, người ta cảm thấy hổ thẹn mà suy nghĩ lại. Ban đầu viết lời thề đảng viên rất hay, sau này lấy 4 nhiệm vụ của đảng viên trong Điều lệ ra đọc, nó dài, ít người thuộc, đọc xong quên luôn. Trong thực tế có việc đó”. 

Ông Thưởng nêu thực tế, đồng thời nhấn mạnh: “Bác Hồ nói là vào Đảng không phải để làm quan phát tài. Nhưng  mình thiết kế cơ chế một hồi thành không vào Đảng thì không làm quan được; không vào Đảng thì không học cao cấp chính trị được; rồi không học cao cấp chính trị thì không bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng được. Cuối cùng chúng ta không thực hiện đúng tư tưởng của Bác. Khi quy định như vậy thì đánh giá vào Đảng để thực hiện lý tưởng của Đảng hay để làm quan chúng ta lại không có đủ cơ sở để đánh giá. Vấn đề quan trọng của đảng viên là nhận thức tư tưởng chính trị, mục tiêu, lý tưởng...thì những cái đó nó lại không hiện lên trán của mỗi người”, ông Thưởng phân tích thêm. 

Như vậy, theo Thường trực Ban Bí thư, phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá xếp loại đối với tổ chức đảng, sao cho thực chất, phản ánh đúng hiện thực, khách quan.

Ông Võ Văn Thưởng cũng đặt câu hỏi vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy thì khắc phục thế nào? Ông Thưởng cho rằng, đây là vấn đề rất khó, những nhiệm vụ giải pháp phải rất cụ thể. 

Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện.

Dẫn lời Tổng Bí thư nói “rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện thì trăm bề khó khăn”, ông Thưởng cho rằng, khi làm nghị quyết bàn rất kỹ, nhưng trong quá trình thực hiện đôi khi thấy khó lại hay “chùng chân”, thấy khó hay để lại.

Vì vậy, ông Thưởng đề nghị, quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi có sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức địa phương, đơn vị.

Ông Võ Văn Thưởng cũng đề nghị sau Hội nghị khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung 4 Nghị quyết của Trung ương thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi, hiệu quả. Tránh tình trạng “đẻ” ra một phiên bản nghị quyết mới giống nghị quyết của Trung ương, đọc thì rất hay nhưng bao giờ xong, ai làm, thước đo như thế nào lại ít thể hiện.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị Ban kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu tháng 8 tới trình Bộ Chính trị kế hoạch thực hiện 4 Nghị quyết.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu, ngay sau Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng nhanh chóng tổ chức tuyên truyền nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung của Nghị quyết, nhất là những quan điểm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các Nghị quyết, thấy rõ những nội dung này là rất hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

90% cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ có thực chất?
90% cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ có thực chất?

VOV.VN - Đối với mục tiêu hàng năm 90% tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, bà Trương Thị Mai cho rằng, tỷ lệ này hiện nay đã đạt được, nhưng liệu có thực chất hay không?

90% cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ có thực chất?

90% cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ có thực chất?

VOV.VN - Đối với mục tiêu hàng năm 90% tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, bà Trương Thị Mai cho rằng, tỷ lệ này hiện nay đã đạt được, nhưng liệu có thực chất hay không?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, một trong những yêu cầu cấp thiết của Nghị quyết 20 đặt ra đó là phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, một trong những yêu cầu cấp thiết của Nghị quyết 20 đặt ra đó là phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đặc biệt đề cao vai trò chủ thể nông dân
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đặc biệt đề cao vai trò chủ thể nông dân

VOV.VN - Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, trong Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, vai trò chủ thể của nông dân được đặc biệt nhấn mạnh, đây là điểm rất mới so với Nghị quyết 26 trước đây về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đặc biệt đề cao vai trò chủ thể nông dân

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII đặc biệt đề cao vai trò chủ thể nông dân

VOV.VN - Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, trong Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, vai trò chủ thể của nông dân được đặc biệt nhấn mạnh, đây là điểm rất mới so với Nghị quyết 26 trước đây về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.