Xây dựng con người là nhiệm vụ then chốt
VOV.VN -Kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng nhân cách con người Việt Nam.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đặt vấn đề về xây dựng con người với những yêu cầu cụ thể. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất trong 10 nhiệm vụ được đặt ra để xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong 15 năm qua, qua quá trình chuyển đổi cơ chế vận hành của nền kinh tế, đất nước dần thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu đã tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Con người Việt Nam những năm qua có nhiều thay đổi tích cực. Tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam sau 5 năm (năm 1992) đã tăng lên 65,2 tuổi, tăng 3,2 tuổi so với năm 1987 và đến năm 2007 đạt 73,7 tuổi. Các chỉ số phát triển con người không ngừng tăng nhờ có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực giáo dục, y tế và mức sống.
Hiến máu cứu người - một hình ảnh đẹp của thanh niên ngày nay |
Sự tham gia của người dân vào các quyết sách của Nhà nước đang ngày càng nhiều hơn. Đi cùng với những thay đổi về kinh tế là những thay đổi trong đời sống chính trị theo hướng phát huy dân chủ và tăng cường tiếng nói của người dân.
Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay cũng có thể nói đã tiến xa hơn nhiều so với thế hệ trước. Đó là những thanh thiếu niên được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn, có nhận thức sâu rộng về bản thân, cộng đồng và thế giới, tự tin và có khát khao khẳng định mình trong sự thích ứng với điều kiện xã hội phát triển.
Con người Việt Nam sau đổi mới về cơ bản vẫn là những con người văn hóa truyền thống, đồng thời đã tiếp nhận yếu tố hiện đại, văn minh, hội nhập sâu rộng hơn với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những mặt hạn chế trong nhiệm vụ phát triển con người. Thủ tướng cho rằng đạo đức, lối sống, nhân cách văn hóa của người Việt Nam nhiều nơi, nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ gia đình, nhà trường. Sự tự giác giữ gìn, xây dựng của mỗi người, sự tha hóa, lối sống xa hoa, phù phiếm, giả dối, cá nhân, vị kỷ, vô cảm có xu hướng phát triển.
Phân tích về nguyên nhân của việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người chưa thành công, ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, chúng ta chưa coi trọng đúng mức việc xây dựng con người, chưa làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện về nhân cách. Sự xuống cấp về tư tưởng đạo đức và lối sống của một bộ phận người Việt Nam như hiện nay là nguyên nhân từ đó.
“Việc thực hiện chúng ta chỉ thường nói những điều to tát, mang tính vĩ mô - mà xây dựng con người, nền văn hóa và đạo đức, lối sống thì phải nói những điều cụ thể. Theo tôi, chúng ta chưa làm được do chúng ta bị va đập bởi cơ chế thị trường mà chưa được chuẩn bị kĩ càng về văn hóa; chúng ta bị va đập bởi toàn cầu hóa, có nhiều cái được nhưng có nhiều thứ chúng ta chưa chuẩn bị về mặt tâm thế để thích ứng, phòng ngừa, tiếp nhận”, ông Lưu Trần Tiêu nói.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng con người là do thời gian thực hiện Nghị quyết quá dài, dẫn đến tình trạng không bám sát thực tiễn cuộc sống.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Hình như trong khi xây dựng Nghị quyết, chúng ta muốn hướng đến những gì lý tưởng, toàn diện mà thoát ly khỏi điều kiện để thực hiện Nghị quyết đó. Bởi vì một nghị quyết chỉ có tác dụng phát huy trong vòng 5-10 năm, không thể nào kéo dài mãi được”.
GS.TS. Triết học Hoàng Chí Bảo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương và nhiều chuyên gia đầu ngành khác cho rằng, sau khi tiến hành tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 thì rất cần có một nghị quyết mới để củng cố nền tảng tinh thần của xã hội - ý thức hệ của chúng ta.
GS.TS. Triết học Hoàng Chí Bảo nói: “Chúng ta làm một cuộc chấn hưng đạo đức dân tộc, bắt đầu chính là từ tế bào là đạo đức gia đình và lấy nòng cốt là đạo đức học đường, đạo đức của nhà trường, của nhà giáo làm tấm gương cho các thế hệ trẻ. Lối sống của con người Việt Nam trong thời hiện đại, một mặt kế thừa các giá trị truyền thống cũ, đồng thời phải có những chuẩn mực mới, những biểu hiện ứng xử hành vi mới, đạt đến mức độ tinh tế trong lối sống”.
GS. Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, đã đến lúc phải đặt giáo dục đạo đức lên hàng đầu. Đạo đức học phải trở thành một môn học hàng đầu trong các môn học của nền giáo dục nước ta từ tuổi nhỏ đến người lớn. Ngay cả đối với đội ngũ công chức trong tình hình hiện nay, để chống lại mặt trái của kinh tế thị trường, đã đến lúc cần có một bộ luật đạo đức của xã hội và phải tiến hành giáo dục đạo đức công phu trong đội ngũ công chức, chuẩn bị chu đáo cho họ trước khi họ ngồi vào nhiệm sở với cương vị chức trách của mình. Tức là giáo dục đạo đức, danh dự, liêm sỉ. Coi sức mạnh ấy để chống lại mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là vấn đề quan liêu tham nhũng hiện nay.
Kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng nhân cách con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa./.