Bitcoin có thể là công cụ rửa tiền?
VOV.VN -Chuyên gia cho rằng, do chưa có chính sách quản lý chung và phù hợp nên tiền mã hóa (tiền ảo) có thể là công cụ rửa tiền và tội phạm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với ngành tài chính nước ta.
Thách thức về an toàn, bảo mật thông tin
Tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành Tài chính” do Bộ Tài chính vừa tổ chức sáng nay, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang lại cơ hội tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, giảm chi phí, mở rộng thị trường toàn cầu, thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Nhưng CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức về thị trường việc làm sẽ phân tách sâu, gia tăng căng thẳng về việc làm, thu nhập trong xã hội; tăng khả năng tuyên truyền những ý tưởng cực đoan; các vấn đề về an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng hệ sinh thái vạn vật kết nối…
Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành Tài chính” do Bộ Tài chính vừa tổ chức sáng 12/10(Ảnh: Huyền My) |
Với xu thế đó, ông Đặng Đức Mai nhận định, CMCN 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ đòi hỏi ngành tài chính phải đổi mới chính sách và công cụ quản lý. Đặc biệt, nó tác động thay đổi lớn trong nhận thức của các cấp lãnh đạo và hành lang pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình công khai số liệu ngành tài chính; thay đổi cách thức điều hành chính sách tài chính tiền tệ để phù hợp với các loại tiền điện tử; và ngành tài chính đối mặt với thách thức về bảo mật, an ninh mạng.
Còn theo nghiên cứu của nhóm ông Vũ Thành Nam (Giám đốc Công nghệ của CMCSoft) và Lương Tuấn Thành (Giám đốc Công nghệ của CMCCSI) của Tập đoàn CMC, thì CMCN 4.0 đặt ngành tài chính vào nhiều thách thức, chẳng hạn: Đồng tiền ảo bitcoin cũng như các tiền điện tử khác sẽ buộc Ngân hàng Trung ương các nước phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tiền tệ. Hơn nữa, những dịch vụ như PayPal hoặc e-gold làm cho người dân của một quốc gia dễ dàng quy đổi tiền của mình sang một loại ngoại tệ mạnh hơn.
Cùng với đó, theo các chuyên gia này, sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng – tiền tệ trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ tài chính (FinTech) ngày càng phát triển. Dự báo trong vòng 3 đến 5 năm tới, tổng mức đầu tư vào FinTech trên toàn cầu có thể vượt 150 tỷ USD. Theo đó, miếng bánh thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính sẽ dần co hẹp lại, cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh khách hàng là xu thế tất yếu.
Trong bối cảnh đó, bảo mật, an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng khi sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại về rủi ro tấn công tin tặc…
Tất nhiên, vì thế mà thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có thay đổi, đặc biệt là số lượng nhân viên trong ngành sụt giảm đáng kể.
Ông Chu Khánh Hòa, Phó Tổng Giám đốc Khối ngành Tài chính công, Công ty Hệ thống thông tin FPT, cho rằng trong thời đại công nghệ phát triển cũng đang xuất hiện những gian lận mới. Trong đó đơn cử, ở lĩnh vực thương mại điện tử, có gian lận về che giấu giao dịch, tài sản vô hình. Đối với thương mại biên giới thì gian lận về quay vòng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, thanh toán, hoàn thuế VAT khu thương mại cửa khẩu. Hay đối với vấn đề chuyển giá thì có tình trạng thay đổi giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các bên liên kết, khó khăn trong nắm bắt thông tin….
Cũng nhìn nhận CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề với ngành tài chính, PGS, TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nó làm cho huy động tài chính trở nên dễ dàng hơn; cho vay tín dụng trực tuyến, thời gian phê duyệt nhanh…, nhưng cũng rủi ro hơn. Ví dụ, Cryptocurrentcy dẫn tới rửa tiền, vượt rào cấm vận. Hay Uber, Grab vào thị trường đã làm đảo lộn ngành taxi. Hơn nữa, vai trò của ngân hàng sẽ thay đổi, sẽ phải tái cấu trúc, cạnh tranh hơn, đặc biệt là dự báo rủi ro.
Không những thế, tiền mã hóa đang là xu hướng trên thế giới. Do chưa có chính sách quản lý chung và phù hợp nên tiền mã hóa có thể là công cụ rửa tiền, chống cấm vận và tội phạm.
Cần chiến lược phù hợp
Trước hàng loạt thách thức nêu trên, nhưng đến thời điểm này, theo nghiên cứu của ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính, Bộ Tài chính và cộng sự, thì ngành Tài chính nước ta chưa làm được gì nhiều trong việc tiếp cận công nghiệp 4.0, mới đang ở bước đầu tiệm cận.
Vì vậy, ông Mai đề xuất ngành Tài chính cần ban hành định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nhằm tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2021-2030.
Theo PGS, TS Nguyễn Ái Việt, an toàn an ninh mạng cũng như sức khỏe. Phòng ngừa ít tốn khém hơn chữa bệnh, nhưng ai cũng đợi bệnh rồi mới uống thuốc. Hiện, rất nhiều công ty và cơ quan nhà nước còn sử dụng tường lửa Microsoft, đã không còn tác dụng từ 3 năm nay…
Quan điểm của PGS, TS Nguyễn Ái Việt là phải có hành lang pháp lý quy định để phối hợp các bộ phận. Phải có lộ trình chuyển đổi công nghệ và chính sách an toàn thông tin phù hợp với xu hướng phát triển. Đặc biệt, thông tin phải liên thông, theo chuẩn được chia sẻ và bảo vệ theo chính sách chung. Tất nhiên, cần có chính sách đầu tư và bắt buộc tuân thủ phù hợp.
Đề xuất giải pháp cụ thể cho ngành Tài chính về tiếp cận CMCN 4.0, đại diện CMC, ông Vũ Thành Nam, cho hay: khả năng ứng dụng Big data (Dữ liệu lớn) và AI (Trí tuệ nhân tạo) sẽ phát hiện được sự bất thường của dữ liệu theo chuỗi thời gian: phát hiện gian lận, buôn lậu, lừa đảo. Các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan hoàn toàn có thể thay đổi phương thức phục vụ hiện nay chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm - quản trị rủ ro, giảm bớt thời gian và phiền hà cho doanh nghiệp và giảm chi phí cho doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho xã hội.
Với ngành Thuế, ông Nam cho rằng, có thể dùng data mining để xử lý dữ liệu hóa đơn VAT để phát hiện ra nhiều thông tin về doanh nghiệp. Cơ quan Nhà nước sẽ quản lý được những rủi ro về gian lận thuế của các doanh nghiệp./.
Tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành Tài chính” do Bộ Tài chính vừa tổ chức sáng 12/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là xu thế tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Huyền My) |
Đến nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động dịch vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước, quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử; quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử; cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công, quản lý giá, tài sản công, quản lý, giám sát thị trường tài chính…
Thứ trưởng nhấn mạnh, hội thảo này là một trong những hoạt động khẳng định ngành Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý tài chính, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.