Các “ông lớn” công nghệ nhấp nhổm
VOV.VN - Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực trong tuần này nhằm “làm trong sạch” môi trường internet và bảo vệ người dùng tại khu vực.
Thái độ không khoan nhượng của EU trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch và dự báo sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook hay Tiktok.
Giai đoạn đầu tiên của các quy tắc kỹ thuật số mới mang tính đột phá của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực vào ngày 25/08 tới. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của khối 27 nước thành viên nhằm kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ.
Mục tiêu là bảo vệ người dùng trong môi trường internet và ngăn chặn việc lan truyền nội dung xấu, độc. Các công ty công nghệ lớn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu nếu không tuân thủ quy định và thậm chí là bị cấm.
EU đã chỉ đích danh 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm trong tầm ngắm, trong đó phải kể đến những ông lớn như Facebook, Google, Tiktok, Twitter hay Amazon. Các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm nằm trong danh sách đều đang có hơn 45 triệu người dùng tại EU mỗi tháng, tương đương khoảng 10% dân số châu Âu.
Và danh sách này có thể không chỉ dừng lại ở con số 19. Theo ông Andreas Schwab tại Nghị viện châu Âu, bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tại châu Âu cuối cùng cũng sẽ phải tuân thủ Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số.
"Người dùng mua một chiếc điện thoại mới hoặc một máy tính mới, họ sẽ có quyền lựa chọn trình duyệt nào họ muốn sử dụng, được cung cấp lựa chọn trợ lý ảo nào họ nên sử dụng, thậm chí còn hơn thế. Điều đó sẽ làm cho thị trường trở nên cạnh tranh hơn, từ đó trở nên tốt hơn và sáng tạo hơn.
Trong một thời gian dài, những gã khổng lồ công nghệ đã được hưởng lợi từ việc thiếu các quy tắc. Thế giới kỹ thuật số đã phát triển thành một miền Tây hoang dã và việc thiết lập các quy tắc mạnh mẽ là cần thiết” - ông Andreas Schwab nói.
Một số nền tảng trực tuyến đã bắt đầu thực hiện các thay đổi và triển khai những cách thức mới để người dùng châu Âu có thể gắn cờ nội dung trực tuyến bất hợp pháp.
Amazon đã mở một kênh mới để báo cáo các sản phẩm bị nghi ngờ là bất hợp pháp, trong khi TikTok bổ sung“tùy chọn báo cáo bổ sung” đối với các nội dung không phù hợp, bao gồm cả quảng cáo. Người dùng Facebook, Instagram và Snapchat cũng sẽ có các tùy chọn tương tự.
Dù việc đánh giá giá mức độ tuân thủ của các công ty có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, song việc đưa ra Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số mới, với các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn được coi là bước đi quyết liệt của EU trong quản lý các công ty công nghệ.
The Wall Street Journal nhận định, đây là cuộc đại tu lớn nhất trong cách tiếp cận của phương Tây đối với nội dung trực tuyến. Điều này sẽ tái thiết lập lại trách nhiệm của các “gã khổng lồ” công nghệ trong thời đại mới, với những tác động mang quy mô toàn cầu.