Bảo tồn di sản bằng công nghệ số: Giải pháp nào cho Việt Nam
VOV.VN - Trong những năm qua, các địa phương, tổ chức văn hóa, bảo vệ di sản tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực số hóa, hỗ trợ công tác bảo tồn, tôn tạo và đưa các di sản đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang có không ít thử thách, buộc chúng ta phải lựa chọn giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế của chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.
Cơ hội và thách thức đối với bảo tồn di sản bằng công nghệ số
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số để bảo tồn và phát huy di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế thời gian qua đã triển khai số hóa được hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ bao gồm hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản, số hóa được 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế… Trong đó, chỉ tính riêng số lượng hiện vật, cổ vật của triều Nguyễn đã có tới 207 cổ vật quý, đặc trưng với hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia đã được scan, số hóa 3D. Lượng dữ liệu số hóa khổng lồ và có giá trị kể trên đã, đang phục vụ đắc lực cho công tác thống kê, quản lý, bảo tồn cũng như nghiên cứu về các di sản tại Huế.
Việc số hóa dữ liệu cũng hỗ trợ các giải pháp số khác, đưa di sản tới gần hơn tới công chúng, phục vụ cho các mục tiêu kinh tế khác. Chỉ tính trong năm 2023, Trung tâm đã đón hơn 2,28 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 1 triệu khách quốc tế, thu về hơn 350 tỷ đồng doanh thu, tăng 151 tỷ đồng so với năm 2022, đạt 140% so với kế hoạch được giao.
Về mặt trải nghiệm khách hàng, Trung tâm cũng đã tổ chức không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro qua hợp tác, ứng dụng công nghệ Phygital Labs, đem đến trải nghiệm thực tế mở rộng VR cho khách tham quan. Nền tảng mussehue.vn cũng đã thu hút được khoảng 15.000 lượt xem trong giai đoạn thí điểm với 10 cổ vật đầu tiên. Trung tâm cũng đang hợp tác với các đối tác để ra mắt các ứng dụng mới gồm du lịch trải nghiệm đa tương tác và quà lưu niệm phái sinh có chứng thực từ cổ vật…. Trong đó, dự án Du lịch trải nghiệm đa tương tác, thí điểm với cửa Hải Vân Quan chỉ trong 3 tuần thí điểm đầu tiên đã thu hút gần 3.000 lượt checkin.
Có thể nói, với những nỗ lực chuyển đổi số như kể trên, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang tạo ra những trải nghiệm số hóa chưa từng có cho người dân, du khách, đồng thời cũng thúc đẩy việc bảo tồn, hỗ trợ công tác tôn tạo một cách hiệu quả. Với những thành tựu kể trên, Trung tâm vừa được tôn vinh, đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 với ứng dụng Công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế.
Không chỉ ở Huế, nhiều địa phương, tổ chức bảo vệ di sản trong cả nước thời gian qua cũng đã có nhiều thành tựu ấn tượng về chuyển đổi số. Tại Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), hiện đã xây dựng được một kho dữ liệu khổng lồ với hơn 3.000 hồ sơ, di tích từ các bản vẽ trên giấy dó đến các tài liệu nghiên cứu. Việc số hóa tập trung vào hệ thống tài liệu và xây dựng hồ sơ 3D cho các di tích từ các bản vẽ, hồ sơ xây dựng, hình ảnh chi tiết, hình ảnh phục dựng cho đến quy trình tu bổ…
Quá trình số hóa rõ ràng đã đem đến những tác động tích cực chưa từng có đối với công tác bảo tồn và phát triển di sản. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc lưu trữ dữ liệu phân tán, thiếu đồng bộ và sự thiếu hụt kinh phí cho việc duy trì hệ thống là những thách thức lớn đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa di sản.
Về phía Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Phó Giám đốc Nguyễn Đức Kiên cũng chia sẻ việc số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa đang gặp không ít trở ngại. Trước năm 2022, hiện vật tại BẢo tàng vẫn chỉ được quản lý bằng hệ thống sổ đăng ký phân loại cũ kỹ, gây khó khăn cho việc tra cứu và thống kê. Việc chuyển đổi sang hệ thống số hóa đòi hỏi thời gian và công sức lớn, với khoảng hai năm để nhập liệu toàn bộ hiện vật vào phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, một số cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vẫn chưa được kết nối với nhau, gây khó khăn cho việc khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các đơn vị.
Sự lựa chọn hiệu quả cho công tác bảo tồn
Theo các chuyên gia, việc bảo tồn di sản bằng công nghệ số cần có những bước đi chiến lược và toàn diện. Ông Lê Phú Cường, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở và Dịch vụ FDS đã đề xuất hai mô hình xây dựng cơ sở dữ liệu. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu tại trung ương, cho phép các địa phương truy cập và đóng góp dữ liệu. Tiếp đến là mô hình phân tán cho phép các địa phương chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu của mình, sau đó kết nối với hệ thống trung ương. “Dù áp dụng mô hình nào, việc tiêu chuẩn hóa dữ liệu và thống nhất thuật ngữ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quản lý và sử dụng dữ liệu văn hóa”, ông Cường cho biết.
Bên cạnh đó, với những thành tựu công nghệ như 3D, AI và Metaverse cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. TS. Chu Thu Hường của Viện Bảo tồn di tích cho hay, công nghệ hiện đại không chỉ giúp phục dựng các di tích lịch sử mà còn cho phép xây dựng các mô hình di sản số, giúp mọi người trải nghiệm di sản qua không gian ảo. Đây là một hướng đi mới mẻ và tiềm năng, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc phát triển cơ sở dữ liệu văn hóa là một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng cũng rất tiềm năng. Nỗ lực số hóa từ các tổ chức đã mang lại những bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và quản lý di sản văn hóa. Tuy nhiên, để thực sự kết nối những nỗ lực đơn lẻ này thành một hệ thống thông tin hiệu quả và bền vững, cần có sự đồng bộ về dữ liệu, luật pháp, và nguồn lực. Các cơ quan chức năng cần xây dựng các hành lang pháp lý rõ ràng, đồng thời đầu tư vào việc phát triển công nghệ và hệ thống quản lý dữ liệu văn hóa.
“Việc xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu văn hóa tập trung không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn nâng cao giá trị văn hóa của quốc gia trên trường quốc tế, tạo điều kiện cho sự phát triển du lịch thông minh và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành văn hóa Việt Nam”, TS Chu Thu Hường cho biết.
Đứng về góc độ công nghệ, ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phygital Labs cho hay, việc khai thác bản quyền di sản là một phần quan trọng của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về nguồn lực, công nghệ và chiến lược phát triển hiệu quả đã hạn chế khả năng khai thác và quảng bá di sản... Một xu hướng giải pháp công nghệ mới đang nổi lên mạnh mẽ và bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề hiện nay là công nghệ vật lý số (phygital). Công nghệ này cho phép các đối tượng vật lý được kết nối với thế giới kỹ thuật số thông qua các nền tảng công nghệ lõi tiên tiến như Blockchain (công nghệ chuỗi khối), NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn), và AR/VR/XR (thực tế tăng cường/ thực tế ảo/thực tế mở rộng).
Trong đó, việc áp dụng Blockchain vào ngành văn hóa và di sản mang lại nhiều lợi ích, như việc xác thực nguồn gốc của các hiện vật, chống lại nạn hàng giả, và tạo ra một hệ thống quản lý minh bạch cho các giao dịch liên quan đến di sản. Điều này giúp bảo vệ giá trị của các di sản và tạo ra những cơ hội kinh tế mới thông qua việc mua bán và trao đổi các tài sản số. Ví dụ một số bảo tàng trên giới đã ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc xác thực quyền sở hữu và mở phiên đấu giá các phiên bản số của di sản.