Chuyển đổi số cho ngư dân: Thử thách và quyết tâm của các địa phương
VOV.VN - Hiện nay, nhờ các thiết bị số hóa, việc xác định luồng cá trở nên dễ dàng hơn, năng suất cũng nhờ đó tăng vượt trội. Nhờ số hóa, nguồn gốc sản phẩm dễ dàng được truy xuất, ngư dân cũng có thể đưa hải sản lên các sàn TMĐT để bán với giá trị cao hơn. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, cũng tồn tại không ít khó khăn buộc các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm vượt qua…
Lợi ích thiết thực của chuyển đổi số với ngư dân khi chuyển đổi số
Nhờ đầu tư ứng dụng máy dò ngang Sonar – thiết bị giám sát hành trình, hầm bảo quản bọt xốp PU, đèn LED dẫn dụ cá trên tàu khai thác hải sản…. những năm qua, năng suất, sản lượng cá thu về sau mỗi chuyến ra khơi của các ngư dân vùng biển Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) không chỉ tăng rõ rệt mà cũng ổn định hơn rất nhiều.
Thuyền trưởng tàu TH 9354 TS Lê Văn Trí ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) chia sẻ, nhờ việc sử dụng máy dò ngang, có phạm vi bán kính tầm dò 2.000m, giúp các thuyền viên có thể kiểm soát được vùng nước xung quanh tàu và phát hiện những đàn cá ở vị trí cách xa, từ đó thuận lợi hơn trong việc định vị, thả lưới và đánh bắt. Với máy dò ngang Sonar, ngư dân không còn phải mò mẫm tìm luồng cá như trước, sản lượng khai thác cũng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với trước kia.
Đặc biệt, nhờ có thiết bị giám sát hành trình, tín hiệu của tàu được cập nhật 24/24 giờ, ngư dân trên thuyền không còn nỗi lo thấp thỏm mất tín hiệu liên lạc với gia đình và các trạm bờ của ngành. Tất cả nhật ký khai thác đều được cập nhật trên hệ thống và ngư dân có thể dễ dàng kiểm tra trong ứng dụng trên điện thoại, từ đó có lộ trình khai thác hiệu quả hơn. Kể cả trong những trường hợp bất thường, thời tiết không thuận lợi hay tàu cá gặp nạn trên biển, thiết bị định vị sẽ nhanh chóng phát tín hiệu hỗ trợ, lực lượng cứu nạn sẽ dễ dàng căn cứ vào đó để tìm đến vị trí tàu gặp nạn và kịp thời cứu hộ.
Không chỉ lợi đơn lợi kép với các ngư dân trực tiếp ra khơi bám biển, chuyển đổi số cũng đem đến nhiều lợi ích vô cùng thiết thực đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là chủ tàu. “Từ khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kể cả không cần theo tàu cá ra khơi, chỉ cần mở điện thoại thông minh có kết nối internet, tôi vẫn có thể biết chính xác vị trí tàu mình đang ở đâu trên biển. Một khi tàu cá đến khai thác ở khu vực không được phép, thiết bị định vị tàu cá sẽ phát tín hiệu cảnh báo để chúng tôi kiểm soát vùng biển khai thác”, anh Phạm Văn Hòa, chủ tàu cá TH 90195TS, công suất 370 CV ở phường Quảng Tiến (TP.Sầm Sơn) cho biết.
Chuyển đổi số cũng đem đến những trải nghiệm công dân số, sản xuất, kinh doanh số chưa từng có cho người dân. Trước đây, trong mỗi chuyến ra khơi, việc ghi nhận ký thủy sản khai thác là một yêu cầu cần thiết nhưng do mải đánh bắt, thuyền trưởng có thể bị quên mất những thông tin quan trọng về thời gian, địa điểm thả lưới, thu lưới, thiếu thông tin các loài hải sản… nhưng hiện nay, việc ghi nhật ký điện tử đã giúp giải quyết được hết các vấn đề này, đảm bảo độ chính xác và minh bạch, nhanh gọn hơn trước rất nhiều”, ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu cá ở phường 2, TP.Vũng Tàu cho biết. Hiện, ông đang sở hữu 4 tàu cá và đã triển khai việc ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử từ hơn nửa năm nay.
Việc ghi chép nhật ký khai thác giúp truy xuất nguồn gốc hải sản rõ ràng cho các đơn vị thu mua như chợ hải sản Vũng Tàu, từ đó tiến tới giao dịch qua mạng, qua các sàn điện tử trong cả nước, giúp nâng cao giá thành và độ uy tín cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phải đối diện “thẻ vàng” IUU, chuyển đổi số cũng giúp các cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi, kịp thời chỉ đạo và ngăn chặn các hành vi sai phạm của các tàu thuyền khi đang hoạt động ở ngoài khơi. Tính riêng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay không có vụ vi phạm nào xảy ra, các vi phạm mất kết nổi máy giám sát hành trình theo tàu của ngư dân cũng giảm hơn 65%. Điều này cũng có được nhờ mô hình đặc biệt của Tỉnh: lập nhóm Zalo với các chủ tàu cá trên địa bàn. Riêng ở huyện Long Điền, nhóm thu hút tới gần 300 chủ tàu, khi phát hiện tàu cá nào vượt qua ranh giới đánh bắt, qua vùng biển của nước ngoài hay mất kết nối hành trình, gặp khó khăn, sự cố trên biển, nhóm sẽ thông báo cho nhau để kịp thời khắc phục và giúp đỡ…
Theo Sở NN&PTNN tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, chuyển đổi số trong ngành thủy sản không chỉ áp dụng trực tiếp với các tàu cá, ngư dân ra khơi mà còn áp dụng cả ở các khâu hậu cần như cảng cá để gia tăng hiệu quả kinh tế của việc đánh bắt thủy hải sản. Việc giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc sẽ phục vụ đắc lực cho công tác xuất khẩu. Không những vậy, tất cả số liệu, thông tin, hồ sơ tàu cá, xử lý vi phạm đều được cập nhật lên hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia. Điều này sẽ góp phần trong việc đưa Việt Nam tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU.
Những khó khăn, thử thách trong chuyển đổi số đối với ngư dân
Để tăng cường chuyển đổi số cho ngư dân và ngư nghiệp, trước đó Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các tỉnh, thành có nghề cá đẩy nhanh công tác này. Tuy vậy, thực tế ở nhiều địa phương vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ việc ngư dân đa phần quanh năm bám biển, ít được tiếp cận kiến thức tin học, thông tin về chuyển đổi số. Do không nắm bắt được, chưa hiểu hết nên chính họ cũng sẽ nghi ngờ về việc lựa chọn chuyển đổi sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến.
Bên cạnh khoảng trống về nhận thức của người dân với chuyển đổi số, tình hình chung của nhiều tỉnh thành là sự khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn để đầu tư cho công nghệ số và nguồn nhân lực, chưa kể chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi số của từng địa phương lại chưa có sự đồng bộ và hiệu quả.
Tại Chi cục thủy sản Quảng Nam, là một trong những nơi sớm triển khai công tác chuyển đổi số tới ngư dân, tuy nhiên vào các ngày trong tuần, nhiều thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ giấy tờ của ngư dân liên quan chứng nhận an toàn tàu cá, đăng ký, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá… vẫn còn thực hiện bằng hình thức trực tiếp với những giấy tờ bản cứng.
Ngay cả trong công tác quản lý, việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia (VNfishbase) cũng gặp khó khăn do công tác thống kê của địa phương chưa kịp thời. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình báo cáo, truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác.
Theo đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số sẽ giúp ngư dân nhanh chóng tiếp cận, bắm bắt thời cơ để phát triển. Vì vậy, dù thế nào cũng phải thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số. “Vấn đề đặt ra là ngư dân cần được hướng dẫn lập, sử dụng tài khoản định danh điện tử để không phải kê khai nhiều loại giấy tờ khi thực hiện giao dịch hành chính về nghề cá”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Chi cục cũng đã thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, giúp ngư dân tiếp cận được các kiến thức về các nền tảng số, hiểu được những lợi ích thiết thực của chuyển đổi số đối với đời sống và công việc của mình, từ đó hỗ trợ tiếp cận, nâng cao kỹ năng số cho người dân, sử dụng dịch vụ và công nghệ số trên môi trường trực tuyến khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khai thác hải sản…
Để giải quyết vấn đề, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp. Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận các ứng dụng chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong nghề cá. Ngư dân cần được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng chuyển đổi số.
Tại tỉnh Bình Thuận, công cuộc chuyển đổi số đối với nghề cá, với ngư dân cũng đã đạt được nhiều thảnh tựu, tuy nhiên vẫn chậm hơn so với sự kỳ vọng. Nhiều thủ tục hành chính vẫn được thực hiện theo hình thức trực tiếp. Việc yêu cầu ngư dân áp dụng viết nhật ký khai thác điện tử cũng còn nhiều vướng mắc. Nhiều chủ tàu cá vẫn viết sơ sài hoặc vào đến cảng mới viết để đối phó, dẫn đến khó cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác (CC) cho doanh nghiệp chế biến. Một số ngư dân không sử dụng điện thoại thông minh hoặc chưa chấp hành nghiêm túc khiến cho quá trình truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) vẫn còn nhiều vướng mắc. Phần mềm ứng dụng cũng chưa đồng bộ cả trên Android lẫn iOS nên số lượng thực hiện còn hạn chế.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Bình Thuận, việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, tăng cường các biện pháp phòng chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong các khâu quản lý, khai thác, chế biến không chỉ hướng tới gỡ “thẻ vàng” IUU mà còn giúp ngành thủy sản của tỉnh thực hiện đúng với các quy định mới của Luật Thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững…