Hoạt động Đổi mới sáng tạo – Trợ lực cho Chuyển đổi số quốc gia
VOV.VN - Được xác định là một trong những quốc sáng hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội đất nước, hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam trong những năm qua đã gặt hái được nhiều thành tựu ấn tượng, trở thành trợ lực quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Nỗ lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới
Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (global Innovation Index – GII) năm 2024, Việt Nam được xếp hạng thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế được bình chọn. Thứ hạng này đã tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp).
Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).
Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Việt Nam xác định giáo dục đào tạo, KH&CN là quốc sách hàng đầu, trong đó lấy đổi mới sáng tạo, vừa là động lực, vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thinh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no và hạnh phúc”.
Theo Thủ tướng, ĐMST có vai trò tác động đến toàn dân, toàn diện và toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế xã hội, vì vậy chúng ta cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi hợp tác quốc tế trong suốt quá trình thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam.
Thực tế, hoạt động thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam đã được triển khai trong nhiều năm. Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cũng đã nỗ lực triển khai các hoạt động, ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phát huy được vai trò, khả năng của mình trong lĩnh vực, tạo ra những trợ lực để doanh nghiệp phát triển, từ đó góp phần vào chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số…
ĐMST và CĐS có mối quan hệ đặc biệt gắn bó, tác động qua lại với nhau. Để thúc đẩy đổi mới trong CĐS, các quốc gia cần có các chính sách và chương trình hỗ trợ ĐMST như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, hỗ trợ các DN khởi nghiệp và đổi mới, thúc đẩy hợp tác giữa các DN, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu. Sáng tạo và đổi mới là những yếu tố quan trọng đối với thành công của CĐS của DN và quốc gia. Bằng cách thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, các DN và quốc gia có thể tận dụng được những lợi ích to lớn mà CĐS mang lại.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 11/5/2022 tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về ĐMST. Việt Nam xác định ĐSMST đóng vai trò đột phá chiến lược; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và DN; là nền tảng để thực hiện CĐS quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Nhiều chính sách trợ lực đã được ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, bao gồm các quy định, cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới; Việt Nam cũng đã thành lập quỹ Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 với mục tiêu huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế để tài trợ cho các dự án sáng tạo và đổi mới, tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo như Startup Weekend, Techfest, VietChallenge…. Các cấp lãnh đạo bộ ngành cũng không ngừng mở rộng hợp tác về đổi mới sáng tạo như ký kết Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP, Hiệp định hợp tác và đổi mới giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Nhật Bản….
Nhờ những chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện đó, tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Bên cạnh việc đạt xếp hạng 44/133 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Việt Nam cũng đạt vị trí 71/193.
Những con số kể trên đang cho thấy sự đúng đắn trong chủ trương phát triển ĐMST tại Việt Nam gắn với quá trình phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi số của đất nước.
Môi trường ĐMST thu hút các nhà đầu tư ngoại
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thì hiện nay, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư: “Điều này tương tự như việc nhiều doanh nghiệp đã chọn Singapore để thành lập, không chỉ vì các chính sách ưu đãi thuế mà còn vì môi trường hỗ trợ ĐMST. Việt Nam cũng đang có cơ hội tương tự, đặc biệt là trong vòng một năm vừa qua, chưa bao giờ thể chế và quy trình chính sách của Việt Nam thay đổi một cách tích cực và mạnh mẽ vì ĐMST như vậy”.
Được thành lập ngày 2/10/2019 tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ, sau 5 năm thành lập, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã từng bước khẳng định được vai trò đầu mối quốc gia về ĐMST, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh cho Việt Nam.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ các start-up, NIC cũng đã có nhiều đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến ĐMST… NIC nói riêng và Việt Nam nói chung đã đang trở thành đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như SK (Hàn Quốc), Google, Nvidia, Meta, Samsung…
NIC đã thành lập 10 mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ với hơn 2.000 thành viên là các chuyên gia, trí thức; hỗ trợ ươm tạo hơn 1.000 startups; kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
NIC cũng đã chủ động triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, xây dựng mối quan hệ với nhiều đối tác bán dẫn hàng đầu thế giới (Qorvo, ARM, Marvell, Cadence, Synosyps, Nvidia, Siemens...) và là đầu mối chủ trì Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đối với hoạt động ĐMST, mặc dù đã có những chủ trương, chính sách về tạo lập thể chế, khuôn khổ, song việc triển khai từ chính sách vào thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định. Chúng ta vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các nghị định liên quan chưa thực sự đi vào cuộc sống.
“Thực tế chỉ ra các doanh nghiệp thường tự chi tiền đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo thay vì chờ những chủ trương từ chính sách hỗ trợ. Ở khía cạnh của các doanh nghiệp Nhà nước, hiện vẫn đang thiếu những hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư cho đổi mới, sáng tạo. Chúng ta cũng vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách để thúc đẩy thành lập các trung tâm sáng tạo của vùng hay các doanh nghiệp, tập đoàn lớn”, ông Hiển cho biết.
Chuyên gia này dẫn chứng, sự đầu tư cho ĐMST của năm 2024 chỉ là 0,4% GDP, thấp hơn so với mức trung bình của những năm trước (khoảng 0,59% GDP). Mức đầu tư này thấp hơn rất nhiều so với trung bình của ASEAN.
Mức chi ngân sách chung cho hoạt động nghiên cứu ĐMST trung bình đạt khoảng 1.52% thấp hơn mục tiêu 2%. Hơn nữa, phần lớn mức chi này lại dành cho chi cho lương cán bộ nhân viên chứ không phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo.
70% doanh nghiệp dự kiến tăng ngân sách cho ĐMST
Theo kết quả khảo sát của Viet Research đối với các doanh nghiệp trong sách VIE50 và VIE10 (top 50 và top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024), có 86% doanh nghiệp công nhận đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng; trong đó có trên 70% các doanh nghiệp cho biết dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo ít nhất 2 năm tới.