Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư cho động lực phát triển
VOV.VN - “Kinh tế số các ngành tại Việt Nam mới chỉ chiếm 40% kinh tế số, 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về lâu dài, kinh tế số các ngành phải chiếm tỷ trọng 70 - 80% trong kinh tế số. Phát triển kinh tế số các ngành là câu chuyện chính của kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới”.
Thông tin được chia sẻ tại lễ khai mạc Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II vừa khai mạc tại Bình Dương ngày 14/11. Sự kiện năm nay với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”, đã thu hút hơn 1.000 đại biểu từ các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong, ngoài nước tham dự.
Diễn đàn năm nay được tổ chức với 1 phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề, đi cùng với đó là không gian triển lãm với hơn 20 gian hàng đến từ nhiều doanh nghiệp công nghệ số như Viettel, VNPT, Mobifone, Tập đoàn TH, Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông Việt Nam (VNTT)… trưng bày, giới thiệu và trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ số trong các ngành, lĩnh vực.
Theo Ban Tổ chức, tư tưởng chính của Diễn đàn năm nay tập trung vào các nội dung về kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp; Kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số; Đo lường kinh tế số các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế số; Mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; Thúc đẩy sản xuất thông minh; Phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong chuyển đổi số; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; Phát triển kinh tế số xanh và bền vững….
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang là xu thế tất yếu, khách quan, là sự lựa chọn mang tính chiến lược, vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức đặc thù. Trong bối cảnh đó, quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực để Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm "Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn".
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay là năm thứ 3 Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Bộ ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và dự kiến sẽ đạt 20% vào năm 2025. Tuy vậy, “hiện nay, kinh tế số các ngành mới chiếm 40% kinh tế số, 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về lâu dài, kinh tế số các ngành phải chiếm tỷ trọng 70 - 80% trong kinh tế số. Phát triển kinh tế số các ngành là câu chuyện chính của kinh tế số Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định : Chuyển đổi số tạo ra không gian sinh tồn mới (gọi là không gian số), không gian số càng toàn diện thì không gian thực càng phát triển. Việc đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư cho động lực phát triển. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục là cơ quan tham mưu chiến lược, đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách kinh tế số, xã hội số.