Giải pháp giúp doanh nghiệp SME bứt tốc chuyển đổi
VOV.VN - Chuyển đổi số gõ cửa mọi quốc gia, ngành nghề, lĩnh vực. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ SME vai trò của chuyển đổi số rất quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiệu hiện quả sản xuất, kinh doanh mà còn có thể phát triển mạnh mẽ, vươn mình trong kỷ nguyên số. Nhiều giải pháp đã được đặt ra nhằm giúp các doanh nghiệp SME bứt tốc chuyển đổi số thành công.
Xu thế tất yếu
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát 1000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp SME đối mặt với 4 khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực trong ứng dụng công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng số, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn tiếp cận công nghệ số, thiếu chuyên gia hoặc công ty tin cậy, đủ năng lực chuyên môn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp SME còn gặp khó khăn về thiếu chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, khó khăn trong thay đổi thói quen kinh doanh, rủi ro về bảo mật…
Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều giải pháp đồng bộ để tăng tốc chuyển đổi số thành công. Bởi chuyển đổi số trong doanh nghiệp mang đến rất nhiều lợi ích, từ việc tiết kiệm chi phí, nhân công, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, giúp tăng sự cạnh tranh trên thị trường...
Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao thông qua việc tiến hành các hoạt động như tự nghiên cứu để đổi mới công nghệ hoặc tiến hành mua một phần hay mua toàn bộ công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp tự nghiên cứu để đưa ra quy trình sản xuất phù hợp, tự chế tạo máy móc cho quá trình sản xuất.
Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đều đã tập trung cho việc chuyển đổi số theo 6 trụ cột, bao gồm: Trải nghiệm số cho khách hàng; chiến lược; hạ tầng và công nghệ số; vận hành; chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; dữ liệu và tài sản thông tin.
Nhiều giải pháp thiết thực
Nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) năm 2022; cùng với đó là hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để có đầu mối hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai. Điểm mới của SMEdx năm 2022 chính là bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (DBI). Bộ công cụ này sẽ được áp dụng triển khai đánh giá 3 nhóm doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn; tập đoàn và các tổng công ty.
SMEdx năm 2022 đã chọn được 23 nền tảng số “made in Vietnam” xuất sắc để công bố, giới thiệu tới các doanh nghiệp qua trang web Smedx.vn. Dịch vụ tài chính là dịch vụ được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất trong năm 2021, trong đó nền tảng được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là nền tảng kế toán dịch vụ số MISA ASP.
Thấu hiểu được những khó khăn mà doanh nghiệp SME gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, VNPT đã cho ra mắt nền tảng chuyển đổi số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp SME – OneSME nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quản lý, vận hành; tiết kiệm chi phí; tăng cường linh hoạt và sẵn sàng thích ứng.
Theo đó, nền tảng oneSME cung cấp hệ sinh thái số đa dạng với các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp hạ tầng, giao dịch điện tử, quản trị doanh nghiệp…Nhiều sản phẩm công nghệ thông tin của VNPT trên oneSME đang được các doanh nghiệp SME lựa chọn như: dịch vụ kê khai bảo hiểm xã hội có hơn 190.000 doanh nghiệp sử dụng, 420.000 thuê bao sử dụng chữ ký điện tử, 200.000 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, oneSME còn hội tụ các nền tảng công nghệ hiện đại và kiến trúc tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Machine Learning… và các công nghệ bảo mật hàng đầu của VNPT giúp các doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế mà chuyển đổi số mang lại.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp SME
Mới đây, ngày 8/10, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thông qua Dự án ASEAN SME do Chính phủ Đức tài trợ đã tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số bền vững”.
Tại Hội nghị, 5 doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam gồm MobiFone, MISA, CMC, FPT Smart Cloud và Công ty 1C Việt Nam đã công bố các gói tài trợ với tổng giá trị hơn 33 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này thực hiện chuyển đổi số.
Trong đó, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone trao tặng Gói hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho 1.000 doanh nghiệp, tổng giá trị 8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần MISA trao tặng Gói hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho 3.000 doanh nghiệp, tổng giá trị 7 tỷ đồng; Công ty FPT Smart Cloud trao tặng Gói hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho 500 doanh nghiệp, tổng giá trị 5 tỷ đồng; Công ty 1C Việt Nam trao tặng Gói hỗ trợ cho tối đa 300 doanh nghiệp khi dùng giải pháp Mini-ERP, tổng giá trị 6 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC trao tặng Gói hỗ trợ cho tối đa 300 doanh nghiệp, tổng giá trị: 7 tỷ đồng.
Các công ty trên cam kết sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME thông qua các chương trình truyền thông, hội nghị, hội thảo tập huấn về chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số thông qua các hoạt động đào tạo, hướng dẫn ứng dụng các công nghệ số, trong đó có thử nghiệm các nền tảng, giải pháp của các đơn vị.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ hy vọng, Lễ ký kết hợp tác với 5 đơn vị công nghệ đã xây dựng được các gói giải pháp ưu đãi riêng cho các SME, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí tư vấn hay các giải pháp số nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tính tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, tổng công ty, nâng cao tính hiệu quả trong doanh nghiệp dẫn dắt, trách nhiệm với cộng đồng, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số SME nhanh chóng, hiệu quả, góp phần tăng trưởng GDP như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ đó sẽ góp phần đắc lực giúp các doanh nghiệp SME bứt tốc chuyển đổi số, đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.