Giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” – những khoảng khắc số đi vào lòng người
VOV.VN - Dù là một khoảnh khắc bất chợt được ghi được hay là một phóng sự ảnh, phóng sự video được chuẩn bị kỹ lưỡng… mỗi một tác phẩm được gửi đến giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” đều làm nổi bật thông điệp sự thay đổi của công nghệ đối với cuộc sống, đặt con người vào trung tâm của sự thay đổi…
Những khoảnh khắc công nghệ và khát khao chinh phục đỉnh cao mới
Giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” năm 2024 đã khép lại, tuy nhiên những hình ảnh, những khoảnh khắc lan tỏa từ chương trình thì vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên, trong cả nước có một giải thưởng ảnh và video clip mang chủ đề về công nghệ được tổ chức với tổng giá trị giải thưởng lớn (lên đến 1 tỷ đồng). Chương trình nhằm tôn vinh những đóng góp của công nghệ, lan tỏa những hình ảnh đẹp, truyền tải những thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống của con người, hướng tới xây dựng một xã hội số tốt đẹp hơn, nơi mà mỗi người dân đều có quyền, đều được hưởng thụ, được phục vụ những lợi ích tốt hơn, giàu có và an toàn hơn nhờ công nghệ. Giải thưởng đã thu hút 318 tác giả dự thi với gần 1.700 ảnh và 87 tác phẩm video, trong đó có 614 tác phẩm ảnh đơn và 144 tác phẩm ảnh bộ cho thấy sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người dân, cộng đồng.
Theo chia sẻ từ Ban Tổ chức, thông điệp được gửi xuyên suốt cuộc thi năm nay là những hình ảnh xúc động, chân thực về những gì công nghệ đang mang đến cho cuộc sống của người dân, đó có thể chỉ là những khoảng khắc bình dị trong đời sống hàng ngày hay những mong ước đã thành hiện thực nhờ công nghệ. “Các tác phẩm không chỉ bám sát chủ đề mà còn thể hiện một cách phong phú và làm nổi bật những đóng góp của công nghệ trên mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, với mọi khu vực, mọi người dân trong cả nước….”, đại diện Ban tổ chức cho biết.
Điểm khác biệt của giải thưởng so với nhiều chương trình khác là những khoảng khắc được ghi lại không chỉ bởi những tác giả chuyên nghiệp mà còn cả những người không chuyên, những người dân ở mọi lứa tuổi trong cả nước – là những người đang làm việc tại nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau. Chính vì vậy, đây cũng sẽ là dịp để mọi người có cơ hội khám phá những nét đẹp công nghệ ngay trong cuộc sống thường ngày và nhìn lại những thành tựu công nghệ đạt được từ sự nỗ lực không mệt mỏi của con người.
“Niềm vui có thể đến từ những hành động nhỏ và lan tỏa đến bạn bè, những người xung quanh, làm thay đổi góc nhìn về cuộc sống và mang đến những điều tốt đẹp trong cộng đồng. Vì vậy, ngày nay nhiều bạn trẻ đã sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng công nghệ mới để thực hiện các dự án lan tỏa niềm hạnh phúc cũng như chia sẻ những câu chuyện thú vị, những hành động ý nghĩa hằng ngày với hy vọng gắn kết tình yêu thương và truyền đi năng lượng tích cực cho cuộc sống. Clip “Công nghệ từ trái tim” chính là những câu chuyện, dự án cụ thể về điều này. Qua clip tôi muốn giới thiệu tới quý vị những hành động đẹp, những con người tử tế, họ biết ứng dụng công nghệ để làm điều có ích cho xã hội”, chị Vũ Thị Hồng Vân, tác giả của video “Công nghệ từ trái tim”, đạt giải nhất chương trình ở hạng mục video chia sẻ về tác phẩm của mình.
Tham gia cuộc thi năm nay với bộ ảnh “Khơi dòng giao thông TP.HCM” bà Ngô Thị Thu Ba – một người dân đang sống tại TP.HCM cũng muốn thông qua tác phẩm của mình, mong muốn gửi gắm niềm vui của người dân Thành phố sau nhiều năm chờ đợi để có một tuyến metro lớn, đang dần hoàn thiện và sắp đưa vào hoạt động, từ đó lan tỏa tới người xem về ý nghĩa của công nghệ làm thay đổi cuộc sống”.
Có thể nói, với giải thưởng “Công nghệ từ trái tim”, ban tổ chức chương trình đã truyền tải một cách tích cực thông điệp, ý nghĩa, vai trò của công nghệ đối với cuộc sống con người, đặc biệt trong bối cảnh mà công nghệ số, hội nhập toàn cầu và chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội. Công nghệ trở thành một xu hướng tất yếu, hiện diện ở mỗi nơi trong đời sống, công nghệ cũng sẽ giúp bắt trọn những khoảnh khăc của con người để tôn vinh những giá trị của lao động, của các mối quan hệ xã hội con người…
Lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng và vai trò của truyền thông, báo chí
Chia sẻ về tác phẩm “Chiến binh Bảo vệ không gian mạng” của mình, tác giả Phùng Thị Trang – tác giả đạt giải nhì cuộc thi ở hạng mục video đã tập trung xung quanh vấn đề đang được nhiều người quan tâm khi bước lên môi trường số: “Hacker là một nghề nhạy cảm. Trong thế giới ngầm của giới hacker, ranh giới giữa hacker mũ trắng và hacker mũ đen rất mỏng manh. Nếu như hacker mũ đen chuyên tìm kiếm kẽ hở bảo mật để xâm nhập nhằm chiếm đoạt tài sản, phá hoại dữ liệu, gây tổn thất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, thì hacker mũ trắng lại tìm kiếm lỗ hổng bảo mật, để khắc phục, nâng cấp, bảo vệ hệ thống.
Từ câu chuyện của Nguyễn Tuấn Anh, chàng trai 9x từng là người Việt đầu tiên đứng top 1 bảng xếp hạng chương trình tìm kiếm lỗ hổng Amazon VRP 2023 và liên tục lọt bảng xếp hạng các chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới, clip đã khắc họa hình ảnh của những hacker mũ trắng – những chiến binh đang âm thầm bảo vệ không gian mạng”. Tác phẩm này được nhiều chuyên gia, khán giả đánh giá cao vì khắc họa được một cách chân thực những mặt trái của thế giới mạng, cũng giống như thế giới thực, có những thế lực xấu chống phá thì cũng có những con người vẫn đang âm thầm bảo vệ người dân trên chính không gian “ảo” đó.
Được biết, tác giả Phùng Thị Trang cũng là một nhà báo công nghệ với nhiều năm tích cực hoạt động trong lĩnh vực tuyên tuyền về các hoạt động công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam. Chia sẻ niềm vui khi tác phẩm của mình đạt giải, chị Trang kỳ vọng sẽ tiếp tục thông qua đó, góp phần lan tỏa về sự đa dạng của công nghệ, tác động tới đời sống, xã hội của người dân trên không gian mạng một cách đa chiều.
Dù mới chỉ được tổ chức lần đầu tiên, giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” đã, đang đạt được những hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Chia sẻ về sự lan tỏa của chương trình cũng như vai trò của truyền thông, báo chí trong việc truyền tải những thông điệp của công nghệ tới người dân, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng "Công nghệ từ trái tim" cho biết, hiện nay, công nghệ hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, báo chí dĩ nhiên không nằm ngoài xu thế đó. Công nghệ không chỉ là phương tiện cho báo chí tác nghiệp mà đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của báo chí. Việc sử dụng công nghệ để nắm bắt, hiểu nhu cầu cũng như đưa các nội dung đến với công chúng cho thấy vai trò của công nghệ đang ngày càng quan trọng với báo chí. Nếu không có công nghệ đi cùng nội dung, cộng thêm có phong cách riêng thì báo chí sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên số.
Để thích ứng với xu thế tất yếu này, theo tôi, các cơ quan báo chí phải bắt đầu ngay từ chuyển đổi tư duy; quyết tâm, quyết liệt ứng dụng công nghệ trong toàn bộ quy trình sản xuất. Mỗi cơ quan báo chí có một đặc thù riêng, do đó cần một chiến lược phù hợp, hiệu quả, và sự đầu tư hạ tầng tương xứng để vừa cập nhật xu thế, vừa giữ chân được lượng độc giả trung thành, lan tỏa thông tin, khẳng định vị trí của báo chí chính thống.
“Thực tiễn làm báo ngày nay cho chúng ta thấy rằng chuyển đổi số hiệu quả chỉ khi chúng ta có một cơ sở dữ liệu dày dặn và các công cụ để khai thác có hiệu quả các dữ liệu đó. Tuy nhiên, dù có áp dụng công nghệ như thế nào, thì yếu tố con người cũng là điều quyết định. Bên cạnh sự đầu tư của từng đơn vị báo chí, mỗi nhà báo cần thực sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách học tập để làm chủ được công nghệ, để công nghệ là nền tảng nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí. Bên cạnh đó, các nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và một trái tim rung động với những giá trị nhân văn của cuộc đời”, Tổng Giám đốc TTXVN khẳng định.