Hà Nội tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp số
VOV.VN - Hà Nội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp số, qua đó thúc đẩy kinh tế số.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Thủ đô là nơi thu hút hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo thành phố chia sẻ thêm, Hà Nội phấn đấu mục tiêu đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu đó, Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên triển khai. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Ông Sơn chia sẻ, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Luật Thủ đô cũng bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Luật Thủ đô cũng có các quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp. Đặc biệt, theo lãnh đạo thành phố, một trong những điểm mới quan trọng của Luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới. “Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, ông Sơn nói.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Hà Nội đang trở thành điểm sáng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực với việc thu hút hơn 300 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD. Thành phố cũng tiên phong trong việc phát triển các khu đô thị thông minh, tích hợp công nghệ AI, big data, và Internet vạn vật (IoT) vào quản lý hạ tầng đô thị, giao thông và y tế, góp phần tạo ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh của Thủ đô.