Làng số hóa đang từng bước thay đổi diện mạo nông thôn Việt
VOV.VN - Thông qua ứng dụng điện thoại thông minh để giúp người dân nắm được tình hình tăng trưởng của cây trồng, kịp thời tưới tiêu, chăm bón khi cần thiết, tiết kiệm sức lao động và thời gian; đường làng ngõ xóm sạch đẹp, có camera an ninh, hệ thống chiếu sáng thông minh...
Nông thôn số và những lợi ích chưa từng có với người nông dân
Xuất phát từ một xã thuần nông với hầu hết người dân sống bằng nghề trồng rau, lúa và cây ăn quả, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, giao thông đi lại cũng gặp nhiều hạn chế…. thế nhưng chỉ sau một thời gian áp dụng xây dựng nông thôn mới, áp dụng công nghệ số hóa vào sản xuất, kinh doanh và chính quyền số, ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương giờ đã có diện mạo hoàn toàn mới.
Nhờ áp dụng công nghệ cao, những vườn cây ăn trái theo công nghệ VietGAP của xã cho ra năng suất cao hơn, người dân có thể thông qua các ứng dụng di động để nắm bắt tình hình phát triển của cây trồng, lên lịch trình chăm bón, tưới tiêu phù hợp để có được năng suất, chất lượng tốt hơn, đi kèm với đó là chuỗi liên kết thị trường được mở rộng, tạo nên nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho bà con.
![làng số hóa đang từng bước thay đổi diện mạo nông thôn việt hình ảnh 1 lang so hoa dang tung buoc thay doi dien mao nong thon viet hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2024-12/1_60.jpg)
Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng với việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào hệ thống truy xuất giúp người dùng dễ kiểm tra nguồn gốc sản phẩm đang trở thành mô hình kiểu mẫu cho nhiều đơn vị khác học tập, làm theo.
Không những vậy, người dân khi đến làm các thủ tục, dịch vụ hành chính với chính quyền địa phương cũng thuận lợi hơn nhiều. Không cần phải đến tận nơi, ở bất kỳ đâu, thông qua điện thoại thông minh cũng đã có thể truy cập vào hệ thống dịch vụ công của địa phương để khai báo thông tin và chờ đợi kết quả. Vừa tiết kiệm thời gian đi lại, công sức mà chất lượng dịch vụ còn tốt hơn so với thời “0.4” trước kia.
Xã Bạch Đằng là một trong những làng thông minh đầu tiên được công nhận tại Bình Dương. Nhờ những giải pháp đột phá, đồng bộ mà nguồn thu nhập và đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2019, thu nhập bình quân của mỗi người dân xã Bạch Đằng chỉ đạt 58 triệu đồng thì đến năm 2023 đã tăng lên 88,62 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu nhập được nâng cao, chất lượng đời sống của người dân được cải thiện. Đường xá được làm mới, tường rào, đường làng ngõ xóm, sân vườn của người dân cũng được chỉnh trang, nhà cửa được xây mới khang trang, sạch sẽ… Tạo nên không khí sôi nổi, đi lên đầy khác biệt. Đây cũng là một trong số những điển hình tiên tiến, chứng minh cho sức mạnh của công nghệ, làng số hóa đang thay đổi diện mạo nông thôn Việt thời gian qua.
Chuyển đổi số quốc gia cùng với cuộc vận động số hóa diễn ra với mọi ngành nghề, địa phương đang tạo ra một không khí thi đua nhiệt huyết khắp mọi miền đất nước. Với mô hình làng số hóa, làng thông minh đang được nhân rộng đã đang được đón nhận nhiệt tình bởi những lợi ích mà người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn.
Ông Đặng Văn Những, nông dân trồng xoài, Chủ nhiệm Tâm quê Hội quán ở ấp Tân Hậu (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp” khi được đề nghị giới thiệu về mô hình làng số của địa phương mình không khỏi tự hào: “Tôi ngồi đây uống nước cùng các anh chị, không cần ra vườn, chỉ cần xem điện thoại vẫn biết vườn xoài của mình hôm nay thế nào, có cần được tưới nước bổ sung hay không, khi nào thì cần bón phân, diệt cỏ….”
Tại vườn xoài của ông Những, trạm quan trắc được kết nối với ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ thường xuyên cho ra những số liệu đầy đủ về điều kiện môi trường đất, nước, độ ẩm, độ mặn, độ PH, nhiệt độ…. Chưa hết, khách tham quan đến với những làng số, những “vườn số hóa” như của ông, cũng chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR gắn trên thân cây là có đủ thông tin từ tuổi cây, giống cây đến quá trình sinh trưởng, ngày dự kiến thu hoạch…
![làng số hóa đang từng bước thay đổi diện mạo nông thôn việt hình ảnh 2 lang so hoa dang tung buoc thay doi dien mao nong thon viet hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2024-12/2_47.jpg)
Tân Thuận Tây là một làng thông minh kiểu mẫu của địa phương khi triển khai và áp dụng thành công các giải pháp, hệ thống công nghệ vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Từ hệ thống quan trắc môi trường, tưới tiêu tự động cho tới hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh,… đang từng bước tạo ra một bức tranh làng quê tươi sáng, hiện đại, văn minh hơn mỗi ngày. Để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, xã cũng đã triển khai hình thành sổ khám, chữa bệnh điện tử tới từng người dân địa phương.
Nỗ lực vì một mục tiêu chung
Tháng 8/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình xác định, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình yêu cầu phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn;Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững,
Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới và tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
“Tôi đã đi xem sản phẩm trà trên Hoàng Su Phì (Hà Giang), thấy bà con livestream, kể chuyện trên nền tảng số, kể từ câu chuyện ngắt lá trên ngọn cây chè cổ thụ thế nào, trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh ra sao, đến cách sơ chế, cách phân loại sản phẩm, quy trình người ta thao tác... tất cả trên nền tảng livestream đó và đáp ứng đúng được sự đòi hỏi của người tiêu dùng. Tức là tiêu thụ sản phẩm bằng cảm xúc, không những bằng giá trị kinh tế, giá trị xã hội, mà đấy là giá trị trải nghiệm... Đó là cách chúng ta tiếp cận từ vấn đề rất nhỏ nhưng đi xa hơn. Đó là ứng dụng triệt để hoặc tối đa những công nghệ số vào sản phẩm nông nghiệp” TS. Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói về một trong những trải nghiệm của ông về các người nông dân và các làng số đang thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, quảng bá những đặc sản OCOP chủ lực của mình trên không gian mạng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản thì nông nghiệp – nông dân – nông thôn đang là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Trong đó, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm, then chốt của quá trình “tam nông”. Trong những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều các hoạt động thiết thực và hoàn thiện thể chế, để làm sao chủ trương “tam nông” được hiện thực hóa. “Bản thân nước ta là một đất nước phát triển nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm, có hội nhập, nền nông nghiệp hiện đại và nền nông nghiệp thông minh. Chính vì thế, chuyển đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải chuyển đổi từ vấn đề nhận thức. Từ nhận thức đó, rất nhiều các kết quả đã được minh chứng cho chủ trương rất đúng của Trung ương về “tam nông”.
Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia có tỷ lệ người sống ở nông thôn rất cao. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội trên dưới 30%. Hội nông dân tính ra con số xấp xỉ 18 triệu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, số hội viên nông dân xấp xỉ trên dưới 12 triệu lao động. Vì vậy, theo các chuyên gia, những tác động của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới chất lượng, đời sống và công việc của nhóm lao động này. Chính những người nông dân cũng là một thành tố quan trọng quyết định cho sự thành công của công cuộc chuyển đổi số nông thôn, xây dựng các làng số hóa, làng thông minh trong cả nước, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số nền kinh tế hiện nay.
![làng số hóa đang từng bước thay đổi diện mạo nông thôn việt hình ảnh 3 lang so hoa dang tung buoc thay doi dien mao nong thon viet hinh anh 3](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2024-12/3_41.jpg)
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn còn một số những tồn tại, khó khăn trong việc thúc đẩy người nông dân số hóa, cản trở chuyển đổi số nông thôn, đó là khả năng tiếp cận công nghệ, chất lượng đào tạo trong nông nghiệp thấp hơn so với các thành phần, đối tượng khác. Trong đó, bao gồm khả năng hạn chế về thích ứng, tiếp cận công nghệ. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp chính là triển khai đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, hình thành tác phong mới cho người nông dân đúng với tinh thần “Để có nền nông nghiệp hiện đại, cần có những nông dân chuyên nghiệp”.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những cơ chế về nguồn lực giúp người dân có thể tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn các cơ chế hỗ trợ, chính sách, “cần câu và con cá”, tạo ra những không gian kết nối số hỗ trợ người bán và người mua nông sản… từ đó giúp người dân tự chủ được trong sản xuất và kinh doanh, làm chủ được kế hoạch mùa vụ…