Ngành logistics Việt Nam bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số
VOV.VN - Tại Việt Nam, ngành logistics đang bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. Công nghệ số sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việt Nam dần bắt nhịp xu hướng toàn cầu
Logistics đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương mại trên toàn cầu, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận hành. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, sự yêu thích mua sắm hàng trực tuyến và khả năng kết nối mạng Internet tốc độ cao đã và đang thúc đẩy các dịch vụ logistics tăng trưởng.
Dự báo, ngành logistics toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 9.4077,5 tỷ USD năm 2023 lên 15.978,2 tỷ USD vào 2032, với tốc độ kép hàng năm (CAGR) đạt 6,4%.
Tăng cường số hóa và tự động hóa, phát triển các phần mềm quản lý logistic tích hợp và quản lý kho dựa trên điện toán đám mây là những mảng quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp logistics trên thế giới đang triển khai.
Theo MHI (một công ty kỹ thuật, thiết bị điện và điện tử đa quốc gia có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản), 5 năm tới, xu hướng công nghệ được ưu tiên ứng dụng trong lĩnh vực logistic gồm: Tối ưu hàng hóa tồn kho và mạng lưới; điện toán đám mây và lưu trữ, cảm biến và nhận diện tự động, phân tích nâng cao, công nghệ không dây và di động, robots và tự động hóa, in 3D, trí tuệ nhân tạo, IoT, Blockchain, xe không người lái và máy bay không người lái…
Với những ưu điểm vượt trội của chuyển đổi số logistics như hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành, nhiều “ông lớn” đã mạnh tay đầu tư cho hoạt động này. Điển hình, Google đầu tưi 500 triệu USD vào hậu cần tự động của JD, Alibaba đầu tư tới 15 tỷ USD vào hạ tầng hậu cần của robot…
Tại Việt Nam, ngành logistics cũng đang bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu.
Một trong những doanh nghiệp logistics đi đầu về chuyển đổi số có thể kể tới Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đang chiếm 90% thị phần sản lượng container tại khu vực TP.HCM).
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing của Tân Cảng Sài Gòn cho biết, Tổng Công ty đã triển khai đồng loạt cảng điện tử ePort tiến đến phát triển cảng tự động. Đáng chú ý, tính năng check-in online áp dụng tại cảng Cát Lái, thời gian xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container.
Nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ chuyển đổi số, Tân Cảng Sài Gòn đã tiết kiệm khoảng 30.000 - 50.000 tờ giấy/ngày, giảm 3.000 – 5.000 xe/ngày ra vào cảng làm thủ tục hành chính, cắt giảm được 45% nhân sự trong khi vẫn duy trì sản lượng như cũ.
Một trong những điều kiện thuận lợi cho hành trình chuyển đổi số logistics tại Việt Nam là đang khá nhiều nhà cung cấp giải pháp, phần mềm trong lĩnh vực logistics. Chẳng hạn: Viettel Solutions, Phaata.com, SmartLog, Logivan, Abivin, NetLoading…
Doanh nghiệp logistics có đa dạng giải pháp để lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Có thể là Hệ thống quản lý vận tải, quản lý đơn hàng (TMS/OMS); Hệ thống chia chọn/thực hiện đơn hàng (Sorting/Fulfillment); Hệ thống quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS), quản lý chuyển phát; Hệ thống quản lý kho hàng (WMS); Ứng dụng Gọi xe tải - Xe container - Hàng ghép; Hệ thống tích hợp với các sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch vận tải…
Ông Tạ Minh Vang cho biết, Công ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH cho hay, Nền tảng công nghệ Vietnam Smarthub Logistics – VSL của CEH đã được tích hợp với 35 cảng biển, hơn 20.000 xe đầu kéo, 118 hãng tàu nội địa và quốc tế; Kết nối cổng thanh toán trực tuyến với 4 ngân hàng (BIDV, VietinBank, MB, VCB, NAPAS); kết nối hóa đơn điện tử với VNPT, Viettel, BKAV, Tổng cục Hải quan, hệ thống định danh điện tử (Đề án 06 - Bộ Công an) và hệ thống bản đồ số giám sát hành trình sà lan, xe đầu kéo...
Sản lượng thông quan năm 2024 đạt 4,5 triệu Teus (đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị hơn 5.000 tỷ đồng.
“Các sản phẩm của CEH đều được thiết kế với nền tảng công nghệ hiện đại, tính năng phong phú, phù hợp với đặc thù khai thác Việt Nam, triển khai nhanh chóng (2 tuần thay vì 16 - 18 tháng), chi phí đầu tư hạ tầng giảm 90% và chi phí đầu tư giảm 80%. Với trình độ công nghệ của các kỹ sư cũng như sự đầu tư mạnh mẽ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những sản phẩm tương đương hoặc chất lượng vượt trội so với thế giới”, ông Vang khẳng định.
Một số thách thức cần vượt qua
Theo bảng xếp hạng của Agility năm 2023, Việt Nam thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Việt Nam đứng thứ 16 về cơ hội logistics trong nước, thứ 4 về cơ hội logistics quốc tế, thứ 19 về điều kiện kinh doanh và thứ 15 về chỉ số sẵn sàng công nghệ.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, số hóa, chuyển đổi số chính là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 14 - 16%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp logistics Việt cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trên hành trình chuyển đổi số.
Trước hết là về kinh phí đầu tư. Chuyên gia Lê Thanh Phương, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy lợi lưu ý: Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa, song đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có 1% là doanh nghiệp lớn. Chi phí đầu tư là một vấn đề không nhỏ.
Ông Đoàn Hữu Hậu – Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và ứng dụng AI của FPT Digital dẫn thêm số liệu: Năm 2023, trung bình quá trình chuyển đổi số toàn bộ doanh nghiệp có tổng chi phí từ khoảng 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi một thống kê của tổ chức quốc tế mới đây cho thấy chi phí trung bình của doanh nghiệp vào cơ sở hạ tầng cho AI lên tới 1 triệu USD; hơn 40% số tổ chức phải chi hơn 100.000 USD/lần để làm sạch và chuẩn bị dữ liệu trước khi triển khai các giải pháp AI.
Khó khăn về vốn không chỉ làm chậm quá trình triển khai và vận hành của họ, mà còn tạo ra một khoảng cách ngày càng rộng giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, làm suy giảm tính cạnh tranh công bằng và đa dạng trên thị trường.
Tiếp đến là nguồn nhân lực logistics không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu cả về chất lượng. Theo Bộ Công Thương, tính đến năm 2022, số lao động được đào tạo bài bản về logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này; khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics chỉ khoảng 10%.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số tiên tiến không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để cải thiện năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để thành công trong hành trình chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ đào tạo và phát triển nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin và hiểu biết sâu sắc về ngành logistics; tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác công nghệ và chuyên gia trong ngành…
Đặc biệt, lộ trình triển khai chuyển đổi số cần rõ ràng và khả thi, bắt đầu từ những nhu cầu thực tế và mục tiêu cụ thể.