Tổ công nghệ số và những hạt giống đỏ chuyển đổi số nông thôn
VOV.VN - Tính đến tháng 9/2024, cả nước đã có 93.524 Tổ công nghệ số cộng đồng, đang hoạt động tích cực như những “hạt giống đỏ”, giúp rút ngắn con đường dẫn đến chuyển đổi số toàn diện ở các địa phương.
Câu chuyện của những người “vì người dân, từ dân mà ra”
Cứ cuối tuần, đến hẹn lại lên, các Tổ Công nghệ số được tổ chức bởi Đoàn Thanh niên cơ sở lại tìm đến từng thôn, từng nhà để hỗ trợ người dân thực hiện cài đặt ứng dụng số. Sau một thời gian, hoạt động này đã từng bước trở nên quen thuộc với người dân xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các tổ công nghệ số được xem là yếu tố quan trọng, là chiếc cầu kết nổi người dân với chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, giúp tháo gỡ những nút thắt về công nghệ, để người dân hiểu và làm theo.
Thông qua các Tổ Công nghệ số với nòng cốt là các đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, được tham gia đào tạo các kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số, chính quyền địa phương đã từng bước đưa những “hạt giống đỏ” này về từng thôn làng, ngõ xóm để trực tiếp phổ biến, hỗ trợ và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng chữ ký số.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các Tổ công nghệ số tập trung hỗ trợ cho cả các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người bị hạn chế khả năng đi lại, những người gặp khó khăn trong tiếp cận CNTT… để từ đó, người dân ai cũng có thể bước lên môi trường số mọi lúc, mọi nơi.
Công tác của Tổ công nghệ số cộng đồng càng trở nên bận rộn hơn khi có những chiến dịch triển khai cung cấp các dịch vụ số mới hoặc các chủ trương, chính sách mới có liên quan tới công tác số hóa của địa phương. Gần đây, có thể kể tới việc triển khai chữ ký số, vận động người dân chuyển đổi từ mạng 2G lên 4G, 5G. Với đặc thù là vùng nông thôn, có nhiều người cao tuổi, quen sử dụng các điện thoại “cục gạch”, việc vận động bà con thay đổi là không dễ dàng. Tuy nhiên, với lợi thế là những người nắm rõ địa bàn, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã cùng với nhân viên các nhà mạng "đến từng nhà, rà từng người" để vận động, thuyết phục người bà con chuyển đổi.
Theo anh Nguyễn Quang Thành, Bí thư đoàn xã Hoằng Thái, sau một thời gian triển khai hoạt động, tổ công nghệ số cộng đồng cũng đã góp phần hiệu quả trong việc đưa người dân bước lên môi trường số một cách hiệu quả, tích cực. Đơn cử, xã Hoằng Thái là một trong những xã có tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng chữ ký số cao tại huyện Hoằng Hóa nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận với quá trình vận động người dân chuyển đổi từ thiết bị 2G lên 4G. “Trong cái khó ló cái khôn. Khi thuyết phục bà con thì gặp không ít khó khăn, nhưng khi mọi người đã hiểu thì lại rất ủng hộ. Khi khó khăn thì tổ Công nghệ số cộng đồng phải thực sự kiên trì, nhẫn nại, giải thích, hướng dẫn, chỉ tận tay các bước cài đặt, sử dụng, xử lý các tình huống có thể phát sinh. Bản thân mỗi thành viên của Tổ cũng ý thức rằng, mình đang hỗ trợ cho những người thân quen, trong làng, trong xóm, là họ hàng, bạn bè nên đều rất nỗ lực, cố gắng”.
Thanh Hóa hiện có gần 4.300 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 14.700 thành viên, đang hoạt động tích cực tại hầu hết các phường xã, huyện, thị trấn trong tỉnh. Gần đây nhất, trong đợt triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn công dần cài đặt ứng dụng VNeID, Tổ công nghệ số cộng đồng lại tiếp tục phát huy vai trò “hạt giống đỏ” của mình trong việc tuyên truyền, vận động người dân làm theo.
Tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước, các tổ công nghệ số cộng đồng được ví như cánh tay nối dài của chính quyền số tới từng người dân, được chính quyền tin cậy, người dân yêu mến bởi đều là những người “từ nhân dân mà ra”.
Để tuyên truyền một cách hiệu quả các chủ trương chính sách số hóa, bản thân các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cũng phải là những người đi trước để “làng nước theo sau”. Đó là câu chuyện của anh Sình Dỉ Gai, người đồng bào Lô Lô, trưởng thôn Lô Lô Chải, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Các thành viên trong tổ công nghệ số của anh Gai thường xuyên vận động triển khai hướng dẫn bà con, đặc biệt là các hộ kinh doanh homestay áp dụng công nghệ số để quảng bá du lịch địa phương. Nhờ đó, người dân từng bước ý thức được sự cần thiết phải bước lên môi trường số và đã đạt được những kết quả ấn tượng đối với một xã vùng cao phía Bắc: các hộ kinh doanh trên địa bàn thôn cài đặt và sử dụng dịch vụ VneID trong công tác khai báo khách lưu trú; quảng bá, bán phòng qua các trang mạng xã hội như: Agoda, Booking, Facebook, Zalo… Từ đó thu hút được hơn 53. 000 khách du lịch đến tham quan đến với Lô Lô Chải mỗi năm.
Tại Ninh Bình, mặc dù là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô vẫn được chọn làm thí điểm mô hình “Xã thông minh” từ năm 2020. Với sự tham gia của các tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần tạo ra những đột phá, thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra đối với “Xã thông minh”.
Với 10 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập đã giúp người dân nắm bắt công nghệ, từ đó dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng số trong kinh doanh. Tổ công nghệ số không chỉ giúp người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng như VNID, VSSID mà còn hướng dẫn áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày. Cũng nhờ có hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, việc phát triển thương mại điện tử, kết nối nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử của người dân cũng ngày một hiệu quả hơn. Yên Hòa đã đưa một số mặt hàng, sản phẩm lên trên sàn thương mại điện tử để giao dịch (cá chạch thịt kho, chạch miếng khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo…) và đang từng bước thiết lập các sản phẩm khác lên bán trên kênh trực tuyến.
Nhờ những nỗ lực đó, đời sống của người dân Yên Hòa đã từng bước được cải thiện đáng kể. Yên Hòa đã vinh dự được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu là mô hình “Làng số - Làng kỹ thuật số” để các nước trên thế giới tham khảo.
Điểm tựa của người dân trong quá trình chuyển đổi số
Việc triển khai các tổ Công nghệ số cộng đồng trong cả nước đã triển khai từ tháng 3/2022, sau khi Bộ TT&TT ban hành văn bản số 793/BTTTT-THH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng. Nhờ sự tích cực, nỗ lực thiết lập và đưa vào hoạt động, hiện nay chúng ta đã có một mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trong cả nước.
Theo thống kê, đến tháng 9/2024, cả nước đã có 93.524 Tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả các địa phương với gần 457.820 thành viên, trong đó 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Đây là nguồn năng lượng và hỗ trợ rất lớn cho cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được phát triển đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư. Đây là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền các tài chính, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân; trực tiếp truyền thông, vận hành, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn, tổ dân phố…
Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, đến nay Tổ công nghệ số cộng đồng đã hình thành một mạng lưới rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số chung của quốc gia; là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Với những đóng góp kể trên, gần đây, nhân ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã gửi lời cảm ơn chính thức tới các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc.
“Những nỗ lực từ các thành viên – từ việc hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ mở tài khoản thanh toán điện tử đến giúp đỡ các hộ dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử không chỉ là hành động mang lại giá trị tức thời mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội số bền vững. Cuộc đời này là sự tiếp nối của những điều khó có thể xảy ra, và điều kỳ diệu nhất chính là chúng ta đã cùng nhau tạo ra những điều đó…”, lời cảm ơn của Cục Chuyển đổi số Quốc gia nêu rõ.