Ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch tại TP.HCM
VOV.VN - Được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông”, TP.HCM sở hữu những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mới, chỉ những điều kiện kể trên là chưa đủ. Thực tế cho thấy, số hóa và các ứng dụng công nghệ số đang là điểm mấu chốt, góp phần thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển nhanh chóng.
Thành phố của những ứng dụng du lịch tiên tiến
Là một người đã từng sinh sống và làm việc tại TP.HCM cách đây gần 20 năm, chị Hoài Nguyễn (New Zealand) đến giờ mới có dịp trở lại thành phố mang tên Bác. Sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố khiến chị khó có thể nhận ra chốn cũ. Vừa bối rối nhưng cũng không kém phần vui mừng khi thấy thành phố thay đổi đẹp hơn, hiện đại và năng động hơn trước rất nhiều. Vì trở về trong thời gian ngắn ngủi, không thể đi tất cả các nơi để thăm thú, chị Hoài khá khó khăn khi không biết lựa chọn điểm đến nào trước. Ngại làm phiền bạn bè, người thân, may mắn lại được chủ khách sạn đang lưu trú chỉ dẫn vào bản đồ du lịch thành phố để tìm hiểu trước. Tự mình khám phá từng chốn “quen mà lạ”, chị Hoài Nguyễn không khỏi bất ngờ, TP.HCM rộng lớn như vậy, nhưng từng con đường, góc phố đều được hiển thị rất rõ ràng, 360 độ, kết hợp giữa video, hình ảnh, thuyết minh, đo kích thước vật thể…
“Mình thử vào tham quan dinh Độc Lập, không gian 3D được mở ra với hình ảnh chân thực như mình đang bước chân vào từng căn phòng, được sờ vào từng bức tường, từng chiếc bàn, cảm nhận được không gian bên trong…. Vô cùng chân thực, mình cảm thấy sốc vì không nghĩ là nó có thể hiện đại đến vậy. Càng khám phá, càng thấy thú vị, xong rồi mới thấy ra rằng, cứ tưởng mình biết nhiều về thành phố nhưng thực ra lại không phải vậy. Có quá nhiều cảnh đẹp, nhiều chốn muốn đi, nhiều chỗ không nghĩ là nó lại thú vị thế. Xem xong rồi chỉ muốn đến tận nơi để xác thực”, chị cho biết.
Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 độ là một phần trong những thành tựu mà ngành du lịch TP.HCM đã thực hiện được thời gian qua, không chỉ đáp ứng quá trình chuyển đổi số quốc gia mà còn là đáp ứng nhu cầu tự thân, xu hướng của ngành du lịch thế giới, của nền kinh tế số hiện nay.
Đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác là cảm nhận của rất nhiều du khách bởi khắp nơi trong thành phố, đâu đâu cũng ngập tràn công nghệ. Từ viện bảo tàng, công viên, các danh lam thắng cảnh,… du khách có thể dễ dàng tiếp cận các ứng dụng hỗ trợ thông minh thông qua các màn hình chạm cỡ lớn để truy cập và tìm kiếm các thông tin cần thiết. Du khách cũng có thể tiếp cận miễn phí cẩm nang du lịch, các loại ấn phẩm giới thiệu về du lịch TP Hồ Chí Minh với nhiều thứ tiếng như Anh, Nhật, Nga, Trung...
Tại các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện cũng đang ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào giải pháp tham quan thực tế ảo, tương tác thông minh (vitural tour). Đây cũng là bảo tàng số đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh. Tại các bảo tàng khác như Bảo tàng Thành phố, bảo tàng lịch sử, bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM… những “chiếc hộp kể chuyện” với giọng đọc thuyết minh về điểm đến một cách gần gũi, sinh động…. cũng đang góp phần giúp du khách hiểu rõ hơn về địa điểm, từng thời kỳ lịch sử, từng nhân vật… một cách sinh động, gần gũi hơn.
Có thể nói, các công nghệ như trí thông minh nhân tạo (AI), 3D, 360 độ, thực tế ảo AR/VR, blockchain… đang đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm chưa từng có, cũng là công cụ để ngành du lịch toàn cầu nói chung và du lịch TP.Hồ Chí Minh nói riêng có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình đến với du khách, từ đó hấp dẫn, thu hút họ về phía mình.
Số liệu của Sở Du lịch TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy lượng khách đến thành phố đạt khoảng 20 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế gần 3 triệu lượt, xấp xỉ năm 2023. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 90.000 tỉ đồng, gần bằng 50% mục tiêu của năm nay. Một phần trong số đó chắc chắn đến từ hiệu quả của việc áp dụng công nghệ vào quảng bá du lịch cũng như “tiếng thơm” từ các trải nghiệm du lịch số có được thời gian qua.
Theo Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch - Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đầu năm nay, các sự kiện du lịch như Ngày hội Du lịch, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước TP.HCM… đã thu hút hàng triệu lượt khách trực tiếp và gián tiếp tương tác thông qua các nền tảng công nghệ. Các ứng dụng công nghệ mà ngành du lịch và Sở Du lịch đang thực hiện như bản đồ 3D, bản đồ 360 độ tại gần 100 điểm đến giúp du khách có thể tương tác thông minh, dễ dàng, từ đó lan tỏa hình ảnh ngành du lịch địa phương tới du khách trong, ngoài nước.
Du lịch thông minh, tạo bước chuyển mình cho doanh nghiệp
Theo Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính như: Tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tăng cường phát triển hệ thống tích hợp thông tin dịch vụ du lịch thành phố (hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội - Social listening); xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch với bản đồ số du lịch, di sản và sản phẩm du lịch, dịch vụ mua sắm, hành vi du khách… Theo Sở du lịch Thành phố, Đến nay, 366 tài nguyên du lịch TP.HCM đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map. Các sản phẩm còn được lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka)… để du khách, người dân tìm hiểu, tham khảo.
Sở Du lịch Thành phố cũng đã triển khai hiệu quả hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, không chỉ trong công tác quản lý điều hành, quản lý nhà nước mà còn ứng dụng thực tiễn vào hoạt động quảng bá và thu hút khách du lịch trong, ngoài nước. Thành phố đã làm mới app du lịch, thực hiện các ấn phẩm điện tử giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin một cách dễ dàng trên môi trường số. Các ứng dụng như “ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần TP.HCM từ trên cao” và “Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM” đã, đang cho thấy hiệu quả tích cực.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị chuyển đổi công nghệ số ngành khách sạn, nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ và giới thiệu đến doanh nghiệp ngành khách sạn các thiết bị thông minh tổng thể phục vụ cho hoạt động lưu trú. Ngành du lịch thành phố cũng thúc đẩy các hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử và đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp quản trị tốt hơn, khai thác dữ liệu tốt hơn, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn thông qua kênh digital marketing với chi phí thấp, hiệu quả cao.
Các giải pháp thanh toán số, đặt dịch vụ trực tuyến cũng được triển khai đồng bộ, giúp đem lại cho khách hàng trải nghiệm hài lòng nhất, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp.
Các ứng dụng đang được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, giải trí… nổi bật có thể kể đến như: Ứng dụng Photo boot chụp hình 360 độ, hệ thống trung tâm điều khiển thông qua giọng nói, điện thoại thông minh; các phần mềm tích hợp quản lý hệ thống khách sạn, kết hợp bán hàng trên các kênh OTA, cổng thanh toán di động…
Mặc dù vậy, quá trình số hóa ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh cũng gặp phải không ít khó khăn. Có thể kể đến việc một số ứng dụng công nghệ số đã trở nên lỗi thời theo thời gian, cần phải đầu tư mới, trong khi đó quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư công nghệ thông tin trong ngành du lịch còn khó khăn và kéo dài, đội ngũ nhân sự trình độ cao về công nghệ thông tin trong ngành còn mỏng…
Khó khăn lớn nhất trong việc số hóa ngành du lịch của thành phố cũng như hầu hết các đia phương khác hiện nay liên quan đến chi phí. Đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí rất lớn, rồi đầu tư quảng bá trên nền tảng số hóa làm sao để vừa bảo đảm hiệu quả vừa có lợi nhuận và tối ưu hoạt động kinh doanh.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thì ngành du lịch Thành phố những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển nhanh chóng, với tăng trưởng hằng năm bình quân đạt 11 đến 12% nhờ vào những nỗ lực triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, các dịch vụ du lịch và công tác quảng bá, truyền thông. Tuy nhiên, nếu đứng ngoài xu hướng của du lịch thông minh, điểm đến Thành phố sẽ lạc hậu. Chính vì thế, cùng với xây dựng đô thị thông minh, lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm việc xây dựng chiến lược du lịch thông minh cho thành phố.
Hiện Thành phố đã chuẩn bị những bước quan trọng, trong đó việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tích hợp và chia sẻ, xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, Thành phố cần xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó việc đẩy nhanh hình thành hạ tầng thông tin cho thành phố thời gian tới.