Vai trò của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với giáo dục
VOV.VN - Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ số, nền giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước thay đổi thói quen, cách thức học tập, tiếp thu kiến thức của người dân...
Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ số, nền giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp này cùng với các sản phẩm, dịch vụ số của mình cũng đang từng bước thay đổi thói quen, cách thức học tập, tiếp thu kiến thức của người dân, đồng thời phát triển thị trường Edtech, đóng góp vào nền kinh tế số của nước nhà.
Thay đổi cách thức vận hành của ngành giáo dục cũng như thói quen dạy và học
Nếu như trước kia, việc kèm con học hàng ngày của chị Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá vất vả khi không thể nắm được hết các nội dung cũng như yêu cầu về bài tập mỗi ngày… thì giờ đây, những khúc mắc đều được giải quyết dễ dàng nhờ ứng dụng số, giúp kết nối phụ huynh học sinh và nhà trường.
Mỗi sáng, khi con đến lớp, ứng dụng sẽ điểm danh, gửi thông báo về điện thoại của cha mẹ. Cô giáo giao bài tập về nhà trên ứng dụng. Điểm kiểm tra, kết quả học tập của con theo từng tháng, từng học kỳ, từng năm học cũng được cập nhật rõ ràng. Không những vậy, khi cần xin phép nghỉ học cho con vì lý do đột xuất, cha mẹ cũng không cần gọi điện, viết đơn tay gửi cô giáo như trước kia mà chỉ cần truy cập ứng dụng và thao tác là cô cũng nhận được thông tin.
“Ứng dụng kết nối giữa nhà trường và phụ huynh được ví như một mạng xã hội thu nhỏ, khi tất cả các hoạt động hàng ngày của cô và trò đều được cập nhật liên tục để phụ huynh nắm bắt, chia sẻ, bình luận, góp ý…”, chị Linh chia sẻ sự hài lòng của bản thân với phương pháp kết nối mới của nhà trường và phụ huynh.
Với các nhà trường, công tác số hóa cũng được triển khai ở hầu hết các khâu. Từ học bạ số, tuyển sinh số, giáo án số,… khiến cho công tác quản lý được rõ ràng, minh bạch và khoa học hơn, tạo thành một hệ thống quản lý xuyên suốt từ Bộ cho tới từng sở và trường học…
Sự bung nở của các ứng dụng dạy và học trực tuyến đã đem đến cơ hội được học tập toàn diện và dễ dàng đối với không chỉ học sinh mà còn cả với những người đã trưởng thành. Người học có nhu cầu có thể tìm kiếm các khóa đào tạo ở mọi lĩnh vực của đời sống, từ kỹ năng văn phòng, ngoại ngữ, kinh doanh, khám phá sáng tạo… Các ứng dụng số giúp xóa nhòa khoảng cách và thời gian, tuổi tác đối với người dạy và người học… Những thay đổi kể trên có vai trò đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây của ResearchAndMarkets và Statista cho thấy, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến (EdTech) tại Việt Nam đã đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến mở rộng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% trong thời gian tới. Dự báo, năm 2025, quy mô thị trường có thể đạt 1,5 - 2 tỷ USD nhờ sự gia tăng nhu cầu về giải pháp học tập trực tuyến, đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp số và công nghệ trong giáo dục.
Còn theo Sách trắng EdTech 2024, Việt Nam hiện đang nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng EdTech nhanh nhất thế giới và top 3 quốc gia EdTech tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á, chiếm 20% tổng số EdTech toàn khu vực. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) khoảng 42,69 USD/người (năm 2024). Số lượng người dùng dự kiến lên tới 11,8 triệu người vào năm 2029.
Theo TS. Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), EdTech là thị trường rộng lớn và ổn định, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp sáng tạo. Với 22 triệu học sinh, sinh viên, 1,6 triệu giáo viên; 53.000 trường mầm non, phổ thông và gần 400 trường đại học, tính tổng cộng cả giáo viên và học sinh, số lượng người trong lĩnh vực giáo dục chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước, cho thấy tiềm năng của thị trường này rất lớn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp sáng tạo.
Vai trò đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân và xã hội. Chương trình chú trọng phát triển các nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Mục tiêu chương trình nhằm phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Chuyển đổi số giáo dục cũng đặt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học. Như vậy, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số đối với lĩnh vực giáo dục cũng đặc biệt được nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V diễn ra ngày 11/12/2023 tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, những doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm công nghệ số “Make in Việt Nam” có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo có thể giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam hỗ trợ. Việc 5 năm thì hãy giao chúng tôi trong một năm vì bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ lại khó làm vì làm theo cách cũ".
Thực tế, đáp ứng lời kêu gọi chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sớm gia nhập thị trường giáo dục số với hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ, đang ngày càng đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục, của người dân và theo kịp xu hướng thế giới. Các “big tech” của Việt Nam như VNPT, MobiFone, Viettel, FPT,… đều đã triển khai cho mình các hệ sinh thái giáo dục với những thế mạnh riêng.
Đơn cử, với hệ sinh thái giáo dục số của VNPT là vnEdu, đã được doanh nghiệp triển khai trong nhiều năm và đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều địa phương, sở giáo dục và trường học, phụ huynh học sinh trong cả nước. Hệ thống này cung cấp bộ tính năng số khổng lồ phục vụ cho công tác quản lý của các Sở, phòng giáo dục và đào tạo, hỗ trợ các công tác giấy tờ, hành chính, bao gồm quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, kết quả học tập qua các năm… Không chỉ vậy, hệ thống còn hỗ trợ các trường học nhiều nghiệp vụ như quản lý tối ưu dinh dưỡng, quản lý thu phí và nhiều tiện ích khác, giúp nhà trường giảm bớt công việc thủ công, các thủ tục hành chính…
vnEdu còn cung cấp môi trường học tập hiệu quả cho học sinh với hệ thống học và thi trực tuyến được tích hợp các công nghệ tiên tiến hàng đầu như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data), AR/VR… giúp tạo ra những trải nghiệm học tập, vui chơi thú vị, tạo ra sự hào hứng, say mê đối với người học.
Với MobiFone, doanh nghiệp viễn thông công nghệ này cũng đang sở hữu hệ sinh thái giáo dục số mobiEdu, cũng bao gồm các giải pháp dạy học và quản lý trường học trực tuyến, phân phối các nội dung học tập tới người học ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh các khóa học trực tuyến với nội dung đa dạng và phong phú, mobiEdu cũng cung cấp cổng thi giúp người học có thể thử sức, ôn luyện các kỳ thi quan trọng và uy tín trong nước….
FPT thời gian qua cũng đã có những sản phẩm giáo dục số cho hàng triệu phụ huynh và học sinh trên toàn quốc như VioEdu, cung cấp chương trình học trực tuyến cho 20 triệu người dùng; Khaothi.online hỗ trợ 700.000 người thi trực tuyến/năm. FPT AI Mentor giúp đánh giá toàn diện 100% quá trình học tập, cá nhân hóa nội dung đào tạo, tùy chỉnh tốc độ, nội dung học thông qua phân tích khả năng tiếp thu. Được biết, FPT đang xây dựng Hệ thống trợ lý giáo dục số thiết kế riêng cho từng người học theo phương thức đa nền tảng, đa phương tiện, đa giác quan…
Có thể nói, sự “trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực giáo dục số của Việt Nam và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước đang tạo ra nền tảng quan trọng để mỗi người dân đều có cơ hội được tiếp cận giáo dục số và tự phát triển bản thân, cùng tham gia vào quá trình số hóa quốc gia một cách hiệu quả.