Dữ liệu lớn - nguồn “dầu mỏ” mới của loài người
VOV.VN - Ông Mikko Hypponen - một trong những "huyền thoại" của làng bảo mật thế giới nhận định, dữ liệu đang trở thành nguồn "dầu mỏ" mới.
Theo thống kê của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới), năm 2015 toàn cầu có 4,9 tỷ thiết bị kết nối internet (IoT). Con số này tăng lên 6,4 tỷ năm 2016, 8,4 tỷ năm 2017 và dự báo sẽ là 20,8 tỷ thiết bị vào năm 2020 với 3.000 tỷ USD doanh thu.
Nâm 2020 sẽ có 20,8 tỷ thiết bị IoT (Ảnh minh họa: kt) |
Tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất thiết bị IoT thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như VNG, Viettel, FPT, VNPT… Cùng lúc, thị trường cũng có rất nhiều các thiết bị IoT giá rẻ đang cung cấp tới người tiêu dùng.
Bên cạnh những lợi ích, các thiết bị IoT cũng đem lại không ít mối lo ngại. Ông Trần Đăng Khoa, chuyên gia Cục ATTT (Bộ TT&TT) dẫn một nghiên cứu bảo mật cho biết, 70% thiết bị IoT trên thế giới có nguy cơ mất an toàn thông tin. Điều này dẫn đến việc hacker có thể truy cập bất hợp pháp, theo dõi, quan sát và thu thập dữ liệu của người dùng hoặc chiếm quyền điều khiển, lợi dụng thiết bị để tấn công mạng, hình thành các mạng máy tính ma để tấn công từ chối dịch vụ…
Ông Trần Đăng Khoa, chuyên gia Cục ATTT (Bộ TT&TT). |
Theo chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen, Giám đốc nghiên cứu của Tập đoàn bảo mật F-Secure, người được tạp chí PC World của Mỹ xếp vào danh sách "50 người có ảnh hưởng nhất tới internet", IoT được định hình nhờ hai xu hướng là mọi thứ ngày càng rẻ hơn và nhỏ hơn.
Ước tính trong 20 năm tới, các "siêu máy tính" có thể nằm trong túi chứ không lớn như hiện tại và mọi thứ đều trở nên thông minh. Tuy nhiên, tất cả thiết bị thông minh đều có điểm yếu nhất định, vì thế, khi kết nối vào internet, đây sẽ là những "lỗ hổng" mà hacker nhắm tới.
Ông Mikko Hypponen nhận định, dữ liệu đang trở thành nguồn "dầu mỏ" mới. "Dữ liệu lớn" cũng có thể đem lại sự thịnh vượng và đi cùng nó là vấn đề mất an toàn thông tin.
Chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen. |
Chuyển từ bị động sang chủ động xử lý
Chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới Mikko Hypponen cũng đưa ra khuyến nghị về đảm bảo an toàn thông tin cho các thiết bị. Đối với thiết bị như smartphone, máy tính... người dùng cập nhật bản vá lỗi, tạo ra bản sao lưu dự phòng và sử dụng các phần mềm bảo mật.
Tuy nhiên, đối với các thiết bị IoT thông thường như lò vi sóng, máy giặt, camera giám sát... hầu như không có ai chạy các phần mềm bảo mật trên những thiết bị này. Bởi vậy, ông Mikko Hypponen cho rằng giải pháp sử dụng bộ router an ninh, cung cấp các kết nối an toàn cho thiết bị IoT là lựa chọn phù hợp.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, đối với an toàn thiết bị IoT, thời gian tới đơn vị sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Một là, yêu cầu doanh nghiệp, nhà sản xuất chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin ngay từ khâu thiết kế. Hai là, quy định đối với các thiết bị IoT, trước mắt nếu kết nối với hệ thống thông tin quan trọng của cơ quan nhà nước phải trải qua kiểm tra, đánh giá định kỳ về độ an toàn thông tin. Ba là, đưa ra những khuyến nghị nâng cao ý thức của người dùng…
"Trước kia, công tác đảm bảo an toàn thông tin tại Việt Nam tương đối bị động. Chúng ta chỉ phát hiện ra các cuộc tấn công mạng khi đã nhìn thấy hậu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi đang hướng dẫn các cơ quan, tổ chức từng bước chuyển từ hình thái bị động đối phó sang chủ động đối phó, khắc phục", ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Cục ATTT khuyến nghị: Cơ quan quản lý cần xây dựng lộ trình chiến lược phát triển IoT quốc gia, gắn với bảo đảm an toàn thông tin; Xây dựng hành lang pháp lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm định với thiết bị được sản xuất và đưa ra thị trường...
Nhà sản xuất một mặt tuân thủ quy chuẩn, một mặt cần có cơ chế buộc người sử dụng thay đổi mật khẩu mặc định; Doanh nghiệp viễn thông phải tiến hành rà quét, phát hiện thiết bị IoT nhiễm mã độc; Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin cần hợp tác với nhà sản xuất thiết bị hoặc nhà mạng để phát triển dịch vụ cũng như bảo vệ an toàn cho các thiết bị IoT.
Người sử dụng không nên ham rẻ khi mua sắm thiết bị IoT mà lơ là việc an toàn thông tin. Ngoài ra, cần thay đổi mật khẩu, thiết lập quy trình cập nhật cho thiết bị… để bảo đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng./.