Mỹ bị đánh giá tụt hậu so với Trung Quốc ở lĩnh vực AI
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) do các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển được đánh giá là đang vượt Mỹ.
Chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) Dennis Fernandez, người đã dành hai thập kỷ để hỗ trợ pháp lý cho các nhà phát minh, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon (Mỹ), cho biết ông đã nhận được rất nhiều phát minh liên quan đến AI từ công ty Trung Quốc, cũng như nỗ lực nộp hồ sơ sáng chế của họ để bảo hộ các công nghệ đó trong những năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 7/72017 ở Hamburg, Đức. Ảnh: Business Insider. |
"Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về hồ sơ sáng chế AI", Fernandez nói với Business Insider. "Vị thế của Mỹ trong mảng thiết kế chip thông minh tùy chỉnh đang bị đe dọa nghiêm trọng".
Theo Fernandez, Mỹ dẫn đầu trong việc triển khai AI giai đoạn đầu, nhưng sau đó bị các dự án khởi nghiệp đến từ Trung Quốc "vượt", cả về phần mềm lẫn phần cứng, đặc biệt trong lĩnh vực về tự động, thiết bị cầm tay hỗ trợ mạng 5G cũng như hệ thống giám sát quân sự chiến lược.
Trước đó, số liệu nghiên cứu từ công ty luật quốc tế Kilpatrick Townsend & Stockton cũng cho thấy những sáng chế liên quan đến AI được doanh nghiệp Trung Quốc nộp tại Mỹ với "tốc độ nhanh chóng", tăng 6 lần trong giai đoạn 2012 - 2018. "Với việc doanh nghiệp Trung Quốc chi mạnh tay cho AI, đà tăng trưởng sẽ không dừng lại. Đến năm 2030, họ có thể dẫn đầu về lĩnh vực này", báo cáo cho biết.
Fernandez đánh giá, Trung Quốc đang muốn làm chủ lĩnh vực chất bán dẫn và phát triển công nghệ AI riêng thay vì đi sao chép như trước đây. "Trung Quốc luôn theo đuổi hoặc sao chép ngành công nghiệp chip Mỹ, chủ yếu về quy trình sản xuất. Tuy vậy, các doanh nghiệp nước này dần hướng đến khả năng chủ động trong kinh doanh để tạo lợi nhuận hơn là tự thiết kế chip", Fernandez nói.
AI đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, công nghệ này đang nhận sự quan tâm hơn bao giờ hết nhờ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển cũng như tiềm năng áp dụng trên xe tự lái, bán lẻ, quảng cáo kỹ thuật số... Nó cũng đạt bước tiến lớn thời gian gần đây khi có thể tự học, khả năng bắt chước con người bằng deep learning (học sâu) để nhận dạng, ghi lại và xử lý dữ liệu một cách nhuần nhuyễn, tương tự như cách hoạt động của não bộ con người.
Việc doanh nghiệp Trung Quốc tập trung cho AI được ví như một "cơn bão hoàn hảo", ghi nhận nỗ lực vượt mặt Mỹ ở lĩnh vực công nghệ cao. Trước làn sóng này, Fernandez hy vọng các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ AI. "Sự thống trị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ giúp họ thể hiện nhiều điều hơn so với các thiết bị điện tử và phần mềm thông thường hiện nay", Fernandez nói thêm.
Căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khiến không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tổng thống Trump ngày 15/5 ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.
Mới nhất, Google cũng đã ngừng cấp phép sử dụng Android với Huawei, khiến thiết bị chạy hệ điều hành này đứng trước nguy cơ không thể cập nhật phiên bản mới nhất, cũng như không được truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ phổ biến như Google Play Store, Gmail và YouTube./. Cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo và những nguy cơ tiềm ẩn