Những sự thật “thú vị” về chụp ảnh selfie
VOV.VN -Việc chụp ảnh selfie quá mức có thể dẫn đến những hệ luỵ về tâm lý. Lời khuyên của chuyên gia là không nên "cạnh tranh" với thực tế ảo.
Ảnh: blacklistednews.com |
Bạn có luôn hướng ống kính camera về phía mình không? Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây của chúng tôi để thấy điều đó có ý nghĩa gì.
Bạn thường chụp ảnh selfie (tự chụp ảnh mình) mấy lần và điều đó nói gì về sự tự tin của bạn?
Hãy lựa chọn một trong các đáp án sau: Chưa bao giờ - có thể một lần trong một năm; Hiếm khi - có thể một hay hai lần trong một tháng: Thường xuyên - ít nhất một lần một tuần.
Và khi nào bạn chụp ảnh selfie (giả dụ bạn đã làm chuyện đó ít nhất một lần): bạn nghĩ mình (a) hấp dẫn và (b) dễ thương như thế nào trong ảnh theo thang điểm từ 1 (hoàn toàn không) đến 7 (rất).
Hai câu hỏi trắc nhiệm này xác định tần suất chụp ảnh selfie và mức độ hài lòng của bạn về những bức ảnh bản thân do chính mình là tác giả.
Nếu câu trả lời của bạn là "thường xuyên”, hình ảnh của bạn có thể hấp dẫn hay dễ thương không như bạn nghĩ. Nếu câu trả lời là "hiếm khi” hay "chưa bao giờ", sự đánh giá của bạn về sức hút của mình có thể khá chính xác.
Một công trình nghiên cứu do trường Đại học Toronto tiến hành đã chia 200 sinh viên thành hai nhóm: một nhóm những người hay chụp ảnh selfie và một nhóm những người không chụp ảnh selfie. Các sinh viên này đã được mời chụp ảnh selfie ở phòng thí nghiệm và đánh giá mức độ hấp dẫn và ưa nhìn của mình trên ảnh. Sau đó, họ đề nghị những người khác chấm điểm cho chính bức ảnh đó.
Theo kết quả nghiên cứu này, trung bình những người không chụp ảnh selfie chấm bức ảnh selfie của mình chỉ cao hơn 0,5 điểm (trên thang điểm là 7) so với đánh giá của những người khác. Song những người hay chụp ảnh selfie cho điểm ảnh selfie của mình cao hơn 1,5 điểm so với đánh giá của người khác. Khi được đề nghị chấm điểm về ảnh của mình do nhà thực nghiệm chụp, cả hai nhóm đều đưa ra đánh giá khá chính xác.
Do vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng những người hay chụp ảnh selfie thường đánh giá về bản thân cao hơn thực tế.
Có nhiều ý kiến trái chiều về kết quả nghiên cứu này.
Theo độc giả với tên tài khoản PanopticonPlanet đăng ký trên báo mạng The Guardian (Anh), những người hay thích chụp ảnh selfie cho điểm ảnh của mình cao hơn đơn giản vì họ chú tâm đến việc tạo dáng để có khuôn hình đẹp nhất và khi làm điều họ tin rằng ảnh của họ đẹp.
Một độc giả khác với tên tài khoản hennagaijin cho rằng việc chú tâm vào chụp ảnh selfie quá đôi khi sẽ khiến bạn chỉ nhìn thấy chính mình và không bao giờ thực sự thưởng ngoạn những nơi mình đến. Thậm chí, có nhiều ý kiến khác gay gắt hơn khi cho rằng việc "nghiện selfie” có thể dẫn đến những hệ luỵ về tâm lý như ảo tưởng về chính mình và dẫn đến chứng ái kỷ (yêu bản thân quá mức).
Tuy nhiên, cũng có nhiều người có cái nhìn tích cực về việc chụp ảnh selfie. Độc giả với tên tài khoản mrsfleur cho rằng việc chụp ảnh selfie và đăng tải chúng hoàn toàn là điều tự nhiên. Theo bà, ăn mặc đẹp, tạo dáng chụp hình cũng là một thú vui và nhiều người chụp ảnh selfie để lưu lại những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ.
Trên thực tế, những ứng dụng You Cam Perfect, Face Tune, Perfect365 và Beauty Plus, cho phép người chụp selfie tự chỉnh sửa hình ảnh trong giây lát sau khi chụp. Chỉ với một vài động tác nhấp chuột trên bộ lọc của Snapchat, bạn có thể thay đổi hình dáng mũi, khuôn mặt, thay đổi màu mắt, xoá bọng mắt và thậm chí chỉnh sửa răng cho đều để có một hình ảnh lung linh, hấp dẫn như một "ngôi sao".
Theo khảo sát của tờ "Sunday People” (Anh), số lượng phụ nữ đi phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống như "phiên bản được nâng cấp” của chính mình trên màn hình điện thoại ngày càng gia tăng.
Bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ Gover cho biết: "Selfie chuẩn mực giống như là một sự biến dạng thực tế đôi chút. Điều đáng lo ngại là các bộ lọc hình ảnh có thể 'biến hoá' người bình thường thành người mẫu. Mà trên thực tế, người mẫu trên sàn diễn đôi khi không giống như người mẫu ngoài đời. Nếu bạn nhìn thấy Kate Moss khi không trang điểm, cô ta khác hoàn toàn với Kate Moss xuất hiện trên tạp chí Billboard." Vì thế, lời khuyên của chuyên gia này là không nên "cạnh tranh" với cái gì không phải thực tế và hãy nhìn thực tại thật chứ không nên nhìn thực tại ảo./.