Tiến bộ trong điều trị tai biến dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo
VOV.VN - Trung Quốc vừa đạt được những tiến bộ nhất định trong việc khám phá phương pháp điều trị đột quỵ nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc vừa đạt được những tiến bộ nhất định trong việc khám phá phương pháp điều trị đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não dưới sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc vừa đạt được những tiến bộ nhất định trong việc khám phá phương pháp điều trị đột quỵ nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh minh họa: KT) |
Tai biến mạch máu não đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với người dân Trung Quốc, với trung bình cứ 12 giây lại có một người mắc chứng bệnh này.
Theo số liệu trong báo cáo của Hiệp hội đột quỵ Trung Quốc, tại nước này, tỷ lệ đột quỵ lần đầu ở người dân từ độ tuổi 40 đến 74 tăng trung bình 8,3% mỗi năm và trung bình hàng năm có khoảng 1,96 triệu người tử vong vì căn bệnh chết người này. Tỷ lệ tái phát đột quỵ lần đầu trong vòng một năm lên tới 17,1% và con số này được ghi nhận là cao hơn ở vùng sâu vùng xa.
Để giải quyết thực trạng trên, Trung tâm quản lý chất lượng chăm sóc sức khỏe về các bệnh thần kinh của Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan tới mạch máu não tại những khu vực kém phát triển.
Ông Vương Ung Quân, giới chức bệnh viện Thiên Đàn, Bắc Kinh cho biết: “Chúng tôi đã thu thập dữ liệu của hơn một triệu trường hợp bệnh nhân đột quỵ trên khắp cả nước, tích hợp trong hệ thống trí tuệ nhân tạo này. Trong vài giây, hệ thống này sẽ tự động chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, đưa ra đơn thuốc và phương pháp điều trị nếu được cung cấp đầy đủ hồ sơ y tế cũng như dữ liệu chụp cắt lớp não của bệnh nhân”.
Hệ thống này không chỉ thu thập một khối lượng lớn dữ liệu các trường hợp bệnh nhân mà còn cả những kinh nghiệm quý báu trong việc điều trị mà các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tích lũy được. Hiện tại, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ được cài đặt và thử nghiệm tại 50 cơ sở y tế trên khắp đất nước Trung Quốc./.
Phục dựng ảnh cũ nhờ trí tuệ nhân tạo cho kết quả bất ngờ
Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra hình ảnh chân thực đến cỡ nào?