Hơn 200.000 doanh nghiệp đã bị mã độc tống tiền tấn công
VOV.VN - Theo cập nhật mới nhất, hơn 200.000 hệ thống mạng tại ít nhất 150 nước đã trở thành nạn nhân của mã độc Wanna Crypt tống tiền tấn công.
Theo cập nhật mới nhất, hơn 200.000 hệ thống mạng tại ít nhất 150 nước đã trở thành nạn nhân của vụ tấn công mạng toàn cầu quy mô chưa từng có xảy ra tối hôm 12/5 vừa qua. Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo số nạn nhân có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/5 khi tuần làm việc mới bắt đầu.
Phát biểu trên kênh truyền hình ITV’s Peston, Giám đốc Rob Wainwright cho biết, phần mềm chứa mã độc đòi tiền chuộc tấn công tối 12/5 đã lan truyền trên toàn cầu với mức độ nhanh chưa từng thấy. Theo lần cập nhật mới nhất, số nạn nhân đã lên tới hơn 200.000 doanh nghiệp tại ít nhất 150 quốc gia. Trong số đó phần lớn là các doanh nghiệp, thậm chí những tập đoàn lớn.
Vào tối 12/5, một làn sóng tấn công mạng bất ngờ xảy ra, đã xâm nhập khoảng 75.000 máy tính ở khoảng 100 nước trên toàn thế giới.
Vào tối 12/5, một làn sóng tấn công mạng bất ngờ xảy ra, đã xâm nhập khoảng 75.000 máy tính ở khoảng 100 nước trên toàn thế giới, trong đó có cả những nước có hệ thống bảo mật cao như: Anh, Áo, Tây Ban Nha, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ... Vụ càn quét bằng mã độc này xuất hiện dưới dạng "tống tiền" - theo đó người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin với giá trị từ 300 - 600 USD.
Hệ thống y tế của Anh là một trong những “ nạn nhân” bị thiệt hại nặng nề nhất. Hiện phần lớn các bệnh viện thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đang rơi vào khủng hoảng. Hàng loạt cuộc hẹn khám bị hủy, bác sĩ không thể kê đơn thuốc cũng như tiếp cận với hồ sơ bệnh án, các dịch vụ X-quang hay xét nghiệm cũng không thể tiến hành. Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rud cho biết đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, Cơ quan tội phạm và Tổ chức cảnh sát châu Âu để khắc phục sự cố IT và điều tra truy tìm thủ phạm”.
Công cụ kiểm tra miễn phí mã độc Wanna Crypt
Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mã độc WannaCry lây lan
Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon cho biết, chính phủ Anh đã chi khẩn cấp khoảng 50 triệu bảng để cải thiện toàn bộ hệ thống máy tính trong Dịch vụ y tế Quốc gia.
Trong khi danh tính những “tin tặc” chưa được xác định, giới nghiên cứu bảo mật đã nhanh chóng chỉ ra mã độc được sử dụng ít nhiều có dính dáng tới Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và gã khổng lồ trong ngành phần mềm Microsoft. Các công ty an ninh mạng cũng vừa xác định được virus gây ra vụ tấn công mạng là loại mã độc Wanny Cry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows của Microsft.
Nhằm tránh nguy cơ bị tấn công, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo cần nâng cấp hệ thống máy tính càng sớm càng tốt. Người dùng đặc biệt thận trọng khi mở hộp thư, hóa đơn, thư giới thiệu việc làm thậm chí các cảnh báo mật hay những tệp tin có vẻ hợp pháp khác. Trong khi đó, cơ quan cảnh sát châu Âu khuyến cáo người dùng không nên chấp nhận trả tiền cho các tổ chức tội phạm để lấy lại quyền truy cập.
Sau vụ việc, tập đoàn Microsoft của Mỹ cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí phần mềm mới khắc phục lỗi trong hệ điều hành cũ hơn của hãng. Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty phần mềm an ninh Syntech của Mỹ cho biết, nhiều khả năng mục tiêu tấn công chính của bọn tin tặc là các nước châu Âu. Nhiều quốc gia ở châu Á thông báo hiện chưa có đợt tấn công trên diện rộng nào như ở Anh và cho biết đang rà soát và kiểm tra toàn diện quy mô tấn công lẫn mức độ thiệt hại.
Hiện hệ thống bảo mật an ninh mạng trên khắp thế giới đã đồng loạt cập nhật dữ liệu về các biến thể của mã độc vào thành phần giám sát hệ thống nhằm giúp tạo ra lá chắn then chốt bảo vệ dữ liệu của người dùng trước sự tấn công của bất cứ phần mềm tống tiền phát sinh nào./.