Huawei tính bán mảng điện thoại bình dân cho chính quyền Thâm Quyến?
Huawei đang có kế hoạch bán thương hiệu Honor với giá 15,2 tỉ USD cho nhà phân phối điện thoại Digital China và chính quyền Thâm Quyến của Trung Quốc. Việc Huawei từ bỏ dòng sản phẩm bình dân Honor xuất phát từ sức ép của Mỹ.
Hãng tin Reuters ngày 11/11 dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết kế hoạch bán Honor là một phần trong nỗ lực xác định lại hướng đi của Huawei trước các sức ép từ Mỹ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Huawei, bao gồm lệnh cấm các bên thứ ba cung cấp thiết bị bán dẫn cho Huawei nếu có yếu tố trí tuệ Mỹ, đã ảnh hưởng lớn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Huawei được xác định là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung của Hàn Quốc, theo Reuters.
Nguồn tin của Reuters cho biết không chỉ bán lại thương hiệu Honor, Huawei còn lên kế hoạch bán toàn bộ những gì liên quan tới Honor như trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các đơn vị quản lý chuỗi cung ứng.
Nhà phân phối chính của Honor, Digital China, sẽ trở thành một trong hai cổ đông chính của Honor Terminal sau thương vụ bán tháo lần này. Honor Terminal được thành lập vào tháng 4 và thuộc sở hữu 100% của Huawei.
Ngoài Digital China, sẽ có ít nhất 3 công ty khác thuộc chính quyền Thâm Quyến tham gia thương vụ. Mỗi công ty sẽ sở hữu từ 10 đến 15% cổ phần Honor Terminal. Theo thỏa thuận với người lao động, Honor sẽ giữ việc cho đội ngũ quản lý và 7.000 nhân viên trong vòng 3 năm sau khi đổi chủ, một nguồn tin khác của Reuters tiết lộ thêm.
Honor từ chối bình luận. Huawei và chính quyền Thâm Quyến đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Huawei thành lập Honor vào năm 2013 nhưng doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động độc lập. Các nhà phân tích cho biết việc thoái vốn có thể đồng nghĩa với việc Honor không còn phải chịu các lệnh trừng phạt chung với Huawei.
Hồi tháng 5, Washington đã công bố các quy định mới nhằm ngăn cản Huawei mua được các chip có công nghệ Mỹ để sử dụng cho mạng lưới 5G và điện thoại thông minh cao cấp như dòng P và dòng Mate. Mọi giao dịch với Huawei, nếu có yếu tố sở hữu trí tuệ Mỹ, đều phải xin phép và nhận được sự đồng ý của Washington.
Mỹ trước đó cáo buộc các thiết bị viễn thông Huawei là cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc và kêu gọi các nước tẩy chay, loại bỏ những thiết bị trên ra khỏi mạng lưới viễn thông./.