WSense và “internet vạn vật dưới nước”
VOV.VN - Tại khu bảo tồn biển Secche della Meloria ngoài khơi Livorno, Italy, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm hệ thống liên lạc dưới nước - mạng lưới modem âm thanh và cảm biến không dây- còn được gọi là “wifi dưới nước”.
Với máy tính bảng thông minh được thiết kế và điều chỉnh đặc biệt, các nhà sinh vật học biển có thể giữ liên lạc với nhau cả trong lúc lặn thông qua hệ thống liên lạc không dây.
Sự khác biệt giữa wifi dưới nước và wifi trên cạn là ở chỗ: wifi truyền thống dựa vào sóng vô tuyến tần số cao, không thể truyền xa dưới nước, đặc biệt là trong nước mặn. Ngược lại, wifi dưới nước sử dụng sóng âm, vì âm thanh truyền xa hơn trong môi trường nước. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu đại dương có thể giao tiếp ở khoảng cách xa hơn nhiều, giống như cách nhiều loài sinh vật biển, chẳng hạn như cá heo và cá voi vẫn giao tiếp với đồng loại.
Công nghệ này do công ty WSense có trụ sở tại Rome phát triển, cho phép thợ lặn gửi tin nhắn, theo dõi vị trí của họ theo thời gian thực và thu thập dữ liệu định vị địa lý, giúp các hoạt động lặn nghiên cứu biển trở nên an toàn và hiệu quả hơn.

Những cải tiến của WSense có tiềm năng sâu rộng, từ bảo tồn môi trường biển và các di sản văn hóa cho đến giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản và lắp đặt năng lượng ngoài khơi. Thành công của WSense ngày càng vang xa nhờ BlueInvest- một chương trình của EU kết nối các công ty khởi nghiệp tập trung vào lĩnh vực đại dương với các nhà đầu tư.
Bà Chiara Petrioli, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của WSense cho biết, việc giành giải thưởng của BlueInvest ở hạng mục "Quan sát đại dương" đã đưa WSense trở thành tâm điểm chú ý, thu hút một mạng lưới các nhà đầu tư châu Âu đa dạng.
"Đây là một chiều hướng thực sự của châu Âu giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn và cho phép chúng tôi có tham vọng mở rộng quy mô trên toàn cầu, mang theo cuộc cách mạng của Internet vạn vật dưới nước" - bà Chiara Petrioli nói.
Trên khắp châu Âu, các công ty khởi nghiệp công nghệ xanh đang vạch ra những chân trời hiểu biết mới trong lĩnh vực công nghệ đại dương, giúp giải quyết một số thách thức cấp bách nhất — từ năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học xanh đến hậu cần cảng và nuôi trồng thủy sản tiên tiến.
Các hệ thống của WSense cũng bắt đầu được sử dụng tại một số địa điểm khảo cổ ở Italy, cũng như áp dụng cho nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường biển và theo dõi núi lửa dưới nước.