Bài 1: Có tiền ta cứ dựng chùa to
VOV.VN - Nhiều ngôi chùa xây mới gần đây thường có kích thước to lớn, nếu không có định hướng trong xây dựng thì có thể bị làm sai lệch, phản truyền thống.
Những năm gần đây nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được xây dựng rộng khắp cả nước, trong đó có những ngôi chùa của Phật giáo. Mặc dù vậy, những ngôi chùa đó mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tâm linh mà chưa có sự kiểm soát về hình thức, ngôn ngữ kiến trúc do công tác cấp phép xây dựng còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến việc giám sát, quản lý và thẩm định.
Các công trình kiến trúc Phật giáo đang mất định hướng và xa rời kiến trúc truyền thống Việt Nam |
"Hương nghiêm pháp đường" là một công trình 2 tầng khá nguy nga trong khuôn viên di tích Chùa Hương (được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1962). Điều quan trọng là công trình mới này có tường bao, cầu thang lên xuống đều bằng đá cùng hoa văn trang trí khác hẳn với những kiến trúc truyền thống ở khu di tích.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc cho thấy việc xây mới hay trùng tu các công trình tôn giáo chưa đảm bảo quy trình diễn ra trong vài chục năm trở lại đây. Hệ quả là, ngày càng có nhiều ngôi chùa được xây dựng theo những mô típ xa lạ.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa, Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận: các công trình kiến trúc Phật giáo đang mất định hướng và xa rời kiến trúc truyền thống Việt Nam: "Các công trình copy hoàn toàn của Trung Quốc để xây dựng. Ngay ở Thanh Trì, Hà Nội hay ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc có hai ngôi chùa copy từ kiến trúc của Butah hay Tây Tạng. Nếu chúng ta phát triển theo kiểu đó thì định hướng di sản của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào? Trong đại lễ Vesas năm 2014 các phái đoàn quốc tế đến và hỏi: Thưa thầy chùa này có phải chùa do người Trung Quốc xây không? Chúng tôi hỏi lại: Tại sao ông cho rằng đó là chùa của người Trung Quốc xây? Họ bảo chùa này kiến trúc rất giống Trung Quốc và đặc biệt hệ thống chữ ở đó toàn chữ nho."
Nhiều ngôi chùa xây mới trong 20 năm trở lại đây thường có kích thước to lớn, tọa lạc trên diện tích hàng chục đến hàng trăm héc ta, với mục đích chính là thu hút du lịch tâm linh, đem lại những khoản thu cho ngân sách địa phương. Vì vậy, việc xây dựng các công trình này thường máy móc, theo ý thích của chủ đầu tư mà hạn chế khả năng sáng tạo của các nhà kiến trúc.
Tiến sĩ Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: ở những ngôi chùa này, giá trị nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc rất hạn chế, thay vào đó là sự phô trương, vụng về trong tạo hình.
"Những ngôi chùa làng bây giờ đã thành ngôi chùa của thành phố. Không gian của nó đáp ứng được nhiều hơn, rộng hơn và số lượng lớn hơn nhưng dần dần nó bị vật chất hóa chứ không nâng cao yếu tố tinh thần. Chính vì thế những công trình được xây mới trong 20 năm trở lại đây có quy mô lớn nhưng thiên về hoạt động mang tính phô trương, những sự kiện lớn, tính hướng ngoại hơn là làm cho con người trở về sự tĩnh tâm - điều mà hàng ngàn năm nay các ngôi chùa Việt đáp ứng được", Tiến sĩ Trần Huy Ánh chia sẻ.
Không chỉ các ngôi chùa mới mà các công trình trùng tu cũng chưa tuân thủ quy trình, thay vì hạ giải, phục dựng như cũ, sẵn tiền người ta đập bỏ cấu kiện cũ, thay toàn bộ bằng vật liệu, kiến trúc mới. Có một thực tế là nhiều người thợ không nắm được quy tắc kiến trúc cho từng ngôi chùa, theo từng hệ phái khác nhau, vô tình làm hỏng kết cấu, kiến trúc của nó bằng cách làm mới như một công trình xây dựng thông thường.
Chùa làng dù đã được xếp hạng hay chưa đều được tu sửa một cách tự phát, tùy tiện xây mới hoặc bồi đắp thêm nhiều hạng mục...Tượng Phật bà Quan Âm bằng xi măng trắng được đưa vào chùa mà không cần tìm hiểu xem phù hợp với hệ phái nào?
Kiến trúc sư Tôn Đại, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư khẳng định thực tế đó đã dẫn tới tình trạng lẫn lộn về kiến trúc tôn giáo hiện nay: "Nhiều lúc người ta thấy công trình của Tàu và của mình giống nhau quá. Chỉ trong giới chuyên môn người ta mới nhìn được có sự khác nhau không. Những người tay nghề chưa được sâu sắc lắm thì vẫn có thể nhầm lẫn. Bởi vì đều là mái cong cả, ai biết được cái nào là Tàu, là Nhật, cái nào là Việt Nam. Không biết được! Nhưng ta làm thế nào để sắc thái Việt Nam tăng lên thì đó là tài năng của kiến trúc sư".
Việc xây mới các công trình kiến trúc tôn giáo là tất yếu nhằm bảo đảm tốt hơn nhu cầu tâm linh của người dân. Nhưng nếu không có định hướng trong việc xây mới hay trùng tu, phục dựng thì những công trình kiến trúc tôn giáo ấy có thể bị làm sai lệch, phản truyền thống.
Chấp nhận sự phát triển nhưng cần phải đúng với tinh thần của Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng, trùng tu các công trình thờ tự, kế thừa và phát huy giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ là nội dung bài viết tiếp theo./.