Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội
VOV.VN -Các ý kiến của đại biểu đã được nhấn mạnh vai trò tích cực của báo chí đối với công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể thời gian qua.
Sáng 11/6, tại Hà Nội, Báo Người Hà Nội phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, tạp chí Người Làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội”. Đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà quản lý, cũng như nhiều nhà báo uy tín, tâm huyết trong cả nước, tham dự hội thảo.
Với hơn 20 tham luận cùng 15 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá, góc nhìn về thực trạng văn hóa vật thể của Thủ đô trên mọi phương diện: Từ chính sách quản lý đến cách ứng xử với văn hóa vật thể, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu, giữ gìn và quảng bá văn hóa vật thể của Hà Nội với người dân cả nước cũng như du khách quốc tế…
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa và các nhà báo có uy tín (Ảnh: K.T)
Nhà báo Trần Bá Dung, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Cần phải nhấn mạnh chức năng phản biện của báo chí đối với công việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể. Báo chí đã làm rất nhiều, có loạt bài rất hay về chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm…
Hà Nội đề nghị công nhận thêm bốn di sản văn hóa phi vật thể
Theo thống kê, Hà Nội có gần 6.000 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 1.100 di tích quốc gia, gần 1.200 di tích cấp thành phố. Để báo chí có thể góp phần nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội, tại Hội thảo nhiều nhà báo đã nêu lên những giải pháp cụ thể.
Nhà báo Nguyễn Hòa, báo Văn hóa cho rằng, cần phân rõ trách nhiệm của các cấp quản lý; nhà báo Mai Kim Thoa, báo Hà Nội Mới thì nhấn mạnh đến việc giữ quan điểm độc lập trong tuyên truyền công tác bảo tồn di sản…/.