Đà Nẵng “sửa sai” với di tích để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử
VOV.VN - Những năm gần đây, người dân và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực “sửa sai”, gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử.
So với các địa phương khác, thành phố Đà Nẵng có số lượng di tích lịch sử không nhiều. Trong khi đó, một thời gian dài một số di tích này lại bị xâm hại nghiêm trọng. Những năm gần đây, người dân và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực “sửa sai”, gìn giữ và phát huy những giá trị của những công trình hiện có.
Di tích thành Điện Hải cũng đang trong quá trình trùng, tu tôn tạo lại nguyên trạng (Ảnh:Nguyễn Thành/Tiền Phong). |
Di tích thành Điện Hải là công trình phòng thủ quan trọng bậc nhất của triều đình nhà Nguyễn vào thế kỷ 19 ghi dấu ấn chống quân xâm lược Pháp và Tây Ban Nha. Đây là biểu tượng về tinh thần yêu nước của nhân dân Đà Nẵng, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, một thời gian dài di tích này bị lãng quên, thậm chí bị xâm hại nghiêm trọng. Do buông lỏng quản lý, 80 hộ dân đến làm nhà sinh sống xung quanh thành. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã di dời số hộ này tới nơi ở mới, trả lại đất cho di tích, phục hồi hệ thống tường, hào của di tích theo nguyên trạng. Tất cả đều đang chung sức cho công cuộc trùng tu, tôn tạo một di tích quốc gia đặc biệt.
Không chỉ di tích thành Điện Hải, mà rất nhiều di tích, công trình văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử khác trước đây chưa được thành phố Đà Nẵng quan tâm đúng mức như: danh thắng, di tích Ngũ Hành Sơn; di tích Hải Vân Quan, cụm di tích làng nước mắm Nam Ô…
Hiện nay, nhiều di tích, đình làng được trùng tu, sửa chữa, góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Đình Phước Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, nhiều địa phương chủ động kinh phí tôn tạo. Các công trình có giá trị ở Nam Ô đang được Bảo tàng Đà Nẵng xúc tiến đề xuất công nhận di tích cấp thành phố. Đối với di tích Hải Vân Quan, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đang chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lập quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch bền vững. Hai địa phương cũng lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Di tích Hải Vân Quan là một trong những di tích có giá trị lịch sử to lớn của triều đình nhà Nguyễn đang được phục hồi, tu bổ lại. |
Ông Huỳnh Đình Phước Thiện cho rằng, để phát huy được giá trị của di sản cần sự chung tay của cả cộng đồng: "Chúng tôi đưa các thông điệp di sản gắn với các di tích đến với cộng đồng địa phương để người dân hiểu được giá trị của di sản. Và đồng thời làm sao đó để cộng đồng địa phương có trách nhiệm đối với di tích. Hướng người dân cùng chung tay trong công tác phát huy những giá trị di sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 19 di tích cấp quốc gia và 51 di tích cấp thành phố. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích 5 đình làng trên địa bàn thành phố với mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng. Các di tích sẽ được thực hiện cải tạo một số hạng mục như: đình chính, hậu tẩm, sân nền, bình phong, trụ biểu, cổng, tường rào để giữ lại hồn cốt cho di tích. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: "Hiện nay các di tích đã được tu bổ theo kế hoạch. Đã có khoảng 2/3 di tích xuống cấp đã được tu bổ. Kế hoạch đến năm 2020, những di tích xuống cấp trầm trọng sẽ đưa vào trong kế hoạch tu bổ, đạt kế hoạch 100%".
Theo Giáo sư tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, thành phố Đà Nẵng có ít di tích có giá trị lịch sử, nhưng không vì thế mà không có áp lực, bởi Đà Nẵng ít di tích hơn các địa phương khác nên việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di tích là hết sức cần thiết./.
Bảo tồn di tích: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
UNESCO bảo tồn di tịch lịch sử, văn hóa tại các nước có chiến tranh