“Đặt tiền lẻ ở chân tượng Phật khác gì đút lót để được lợi lộc“
VOV.VN - "Đặt tiền ở chân tượng phật là một tệ nạn, chẳng khác gì cách đút lót để lấy được lợi lộc", nhà văn Trang Hạ cho biết.
Ở góc độ của một nhà văn, Trang Hạ đã có những chia sẻ với PV VOV.VN về vấn đề lễ hội.
PV: Thưa nhà văn Trang Hạ, chị có cho rằng đã đến lúc cần phải lược bỏ một số hành vi trong các lễ hội Việt Nam để hạn chế tính bạo lực?
Nhà văn Trang Hạ: Tôi nghĩ thế này, có những thứ được truyền từ xưa, một là nằm trong tín nhiệm dân gian, hai là nằm trong văn bản, có ghi chép và đã trở thành luật lệ, trở thành “phép nước”. Những thứ mà mình có thể còn nhìn thấy như lễ Tịch điền (xuống ruộng đầu năm) của nhà vua. Nhưng cũng có những thứ tự nhiên “nảy” ra như việc khai ấn đền Trần.
Theo sự tìm hiểu của tôi, không có sử sách hay tài liệu nào trong lịch sử khẳng định việc khai ấn đền Trần. Dẫu vậy, chúng ta vẫn đưa hoạt động này ra như một biểu tượng, gắn mác truyền thống. Truyền thống ở đây đã được xem như một vương niệm trá hình gắn lên trên đầu những thứ được xem như là tập tục.
Nhà văn Trang Hạ. |
PV: Như vậy là có những lễ hội tồn tại là do ai đó tự ý sáng tạo ra chứ không phải là xuất phát từ nguyên gốc? Vậy giá trị của lễ hội cần căn cứ vào sử sách hay vào việc truyền miệng trong dân gian?
Nhà văn Trang Hạ: Theo tôi là cả hai. Hiện nay, những lễ hội được xem là phản cảm thường không phân định được ranh giới giữa tài liệu sử sách và việc truyền miệng. Tính bạo lực thường rơi vào những hành vi văn hóa thiếu căn gốc. Văn hóa tồn tại theo lối truyền miệng thường mang dấu ấn tập tục. Mà tập tục thì thường dẫn đến sự lạc hậu, nghĩa là mâu thuẫn với xã hội hiện đại.
Tôi lấy ví dụ thế này, 300 năm trước, Thúy Kiều bán mình chuộc cha được chấp nhận còn bây giờ như thế là buôn bán người. Cũng giống như 300 năm trước, ông cha ta có thể đâm giết trâu vì đó là hành vi hoạt động văn hóa, lễ hội, là sự tiếp nối văn hóa duy nhất của một bộ tộc, làng xã. Còn bây giờ chúng ta có vô số cách khác để kết nối cộng đồng, gia đình. Đó là lý do mà có nhiều thứ không còn phù hợp với xã hội hiện đại thì chúng ta cần loại bỏ.
PV: Có câu chuyện về cuộc cách mạng văn hóa nào trên thế giới mà chị ám ảnh không?
Nhà văn Trang Hạ: Đó là cuộc chiến của thế giới với người Nhật Bản trong việc phản đối họ giết cá heo. Hàng trăm triệu người đã phản đối chính phủ Nhật Bản và yêu cầu bỏ lễ hội giết cá heo. Lễ hội đó cho phép giết rất nhiều cá heo, đến mức máu nhuộm đỏ cả một vùng biển bao la và họ xem đó là sự may mắn. Nhưng hàng trăm triệu người trên thế giới cho rằng đó là tội ác dã man, đi ngược lại với sự tiến bộ của loài người, làm tổn thương hệ sinh thái ở biển, ảnh hưởng đến những người không mang quốc tịch Nhật Bản. Đó là cuộc chiến dai dẳng với một lễ hội đã tồn tại hàng ngàn năm của người dân Nhật. Lễ hội giết cá heo cũng từng được gắn mác là lễ hội truyền thống, mượn danh nghĩa văn hóa.
Ảnh minh họa: Zing |
Nhà văn Trang Hạ: Đúng vậy. Nhìn lại một chuỗi tiến triển và hoạt động văn hóa, chúng ta cần hiểu rằng văn hóa không được phản bội con người. Con người sinh ra lễ hội, cộng đồng coi đó là hành vi văn hóa nhưng không có một hành vi văn hóa nào được phản bội lại con người. Sự tự tôn về nhân phẩm, trách nhiệm bảo vệ môi trường ở đâu trong những lễ hội từng bị lên án như đâm trâu, chém lợn, cướp lộc, .... Tất cả những hành vi này đều làm tổn thương tinh thần của con người hiện tại. Giá trị văn hóa của những hành vi nghệ thuật này, nếu có, thì cũng chỉ mang tính tượng trưng, còn những tổn thương gây ra là có thật và là trực tiếp.
Thế nên, chúng ta vẫn đang tranh cãi giữa việc giữ lại những giá trị văn hóa đó hay loại bỏ chúng để tránh những tổn thương tinh thần.
Đó là lý do mà cả những người đang phản đối và đồng tình về các lễ hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, bởi họ căn cứ vào những giá trị khác nhau.
PV: Sự cuồng tín của người dân có được hiểu là vì chúng ta quá yêu văn hóa truyền thống?
Nhà văn Trang Hạ: Cá nhân tôi cho rằng, cần tôn trọng văn hóa nhưng không có nghĩa là chạy theo. Ví dụ như một việc tưởng như vô hại là đốt vàng mã nhưng thực ra lại gây nhiều tác hại như ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền bạc. Đó cũng không phải là hành vi thay thế một giá trị văn hóa nào.
Bằng trải nghiệm và hiểu biết, theo tôi đã đến lúc lễ hội nên thay đổi.
Hình ảnh hàng nghìn người tranh giành hoa tre, trầu cau tại hội Gióng, đền Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội. |
PV: Biểu hiện nào cho thấy người Việt đang cuồng tín, thưa chị?
Nhà văn Trang Hạ: Theo tôi, đặt tiền lẻ ở chân tượng phật là một tệ nạn. Mang tiền Việt hay Đôla đến đặt ở chân tượng Phật chẳng khác gì cách đút lót để lấy được lợi lộc.
Nếu bạn không tin có được lợi lộc thì đã không đút tiền. Hành vi này chính là một cách vụ lợi nhằm thỏa mãn nhục dục của bản thân, nó không mang giá trị văn hóa. Có người cho rằng, tiền lẻ mang vào chùa giống như tiền mừng tuổi nhưng tiền mừng tuổi đã có một cuộc chạy đua ngoan mục từ rất lâu.
Tiền lẻ xuất hiện từ hòm công đức đến chân, tay, đầu, khắp nơi, thậm chí là ném xuống ao, mọi nơi mọi lúc, càng nhét được chỗ nào thì nhét. Đó thực sự là một tệ nạn.
Hành vi xoa đầu rùa để lấy may mắn là mê tín. Chúng ta chờ đợi những năng lực ngoài bản thân mà không phải từ chính mình. Vấn đề ở chỗ, không phải là một hay hai người mà là cả xã hội mê tín thì buộc mỗi chúng ta phải tự nhìn lại mình.
PV: Người dân cuồng tín là một chuyện, nhưng cách quản lý lễ hội của chúng ta cũng có nhiều vấn đề?
Nhà văn Trang Hạ: Chúng ta thiếu tư duy quản lý văn hóa bằng nguồn lực văn hóa mà khởi đầu từ kiến trúc của đình, chùa. Chúng ta xây lên đã không giống, tôn lên càng không, thậm chí vận hành nó cũng không phù hợp. Mấy năm nay tôi thấy khắp nơi đều khai ấn. Có lẽ hội ấn đền Trần quá đông khách nên những nơi khác cũng muốn ăn theo chăng? Đến cả Hoàng Thành Thành Thăng Long cũng đòi khai ấn để phát cho khách thập phương thì lệch lạc quá.
Tư duy quản lý văn hóa không có triết lý và bị thương mại hóa, bắt đầu từ người quản lý văn hóa cao nhất.
Vì sao nhiều lễ hội đang bị bóp méo, biến tướng?
Gần đây, tôi nghe được câu chuyện về một tập đoàn bất động sản. Họ chiếm được một vị trí vàng ở một tỉnh biên giới phía Bắc và tung tin là sẽ xây một ngôi chùa trấn yểm phương Bắc, giữ toàn vẹn biên cương. Thực ra đó là chiêu trò PR của một tập đoàn bất động sản. Chiêu PR này được núp bóng lễ hội truyền thống, lạm dụng niềm tin dân gian.
Những thông tin như vậy sẽ khiến người dân không biết đâu mà lần. Chúng ta không biết tin ai, không biết nên đọc báo, nghe đài hay về hỏi người già để tham vấn về văn hóa. Đây chính là lỗ hổng rất lớn dành cho nhóm tư vấn văn hóa truyền thống.
PV: Chị nhìn thấy điều gì ở các lễ hội năm nay?
Nhà văn Trang Hạ: Lễ hội năm 2017, tôi chứng kiến cảnh sư thầy ném lộc, cảnh giẫm đạp lên nhau để cướp ấn, cướp phết, cướp tre. Thậm chí có lễ hội ở gần đền Gióng, Sóc Sơn (Hà Nội) còn dâng tim của một con ngựa.
Hình ảnh này chỉ nghe kể lại thôi nhưng tôi đã thấy quá kinh khủng. Nó phản ánh tư duy lệch lạc của những người trụ trì và thực hành văn hóa.
Có nhiều cách để thực hành văn hóa nhưng chúng ta luôn lựa chọn những cách làm theo quán tính, giống như việc sư thầy ném lộc.
Còn một điều nữa, đám đông của chúng ta quá dễ dãi. Đó là lý do chúng ta không có tư duy phản biện, không tự giác ngộ hay đặt ra câu hỏi, vì sao mình càng đi càng thụt lùi?.
PV: Cảm ơn nhà văn Trang Hạ./.
Thủ tướng chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội