Khu nhà mồ hơn 100 năm tuổi của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa
Khu nhà mồ hơn 100 năm tuổi này là của địa gia giàu thứ 3 Sài gòn xưa - Lý Tường Quan có rất nhiều nét độc đáo.
Mặt tiền khu mộ |
Khu mộ cụ Lý Tường Quan nằm trong hẻm 79/30 Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP.HCM), trên khu đất khá rộng. Mộ cụ Lý Tường Quan mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung Hoa: có nhà mồ (nhà mái che), mặt tiền nhà mồ có cửa vòm chính giữa, trên vòm cửa có chữ Lý (Hán tự, chỉ họ Lý) hai bên trang trí dây leo hoa lá, trái quả...
Sinh thời, ông Lý Tường Quan và bà Nguyễn Thị Lâu sống trong ngôi nhà lớn cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp ngói. Ngôi nhà cổ có niên đại hơn 130 năm hiện vẫn còn tại số 292 Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM.
Mộ của cụ Lý Tường Quan (lập năm 1896) và của bà Nguyễn Thị Lâu (lập năm 1913) là những ngôi mộ cổ đã hơn 100 năm. Đến nay khu mộ này vẫn giữ được dáng vẻ khang trang, uy nghi và mỹ thuật là nhờ vẫn còn nhiều hậu duệ sớm hôm gìn giữ nhang khói.
Con cháu cụ Lý hiện nay vẫn còn đông. Đa số sống rải rác tại TP.HCM, một số khác hiện sống ở nước ngoài (Mỹ, Canada…). Mỗi năm đến ngày cúng giỗ cụ Lý, con cháu đều tề tựu đông đủ bên lăng mộ cụ, thắp nhang bày cỗ tỏ lòng tri ân…
Dưới đây là loạt ảnh cận cảnh khu mộ cụ Lý Tường Quan:
Chữ “Lý” (biểu trưng cho họ Lý) và tấm “Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố” trước cổng chính nhà mồ cụ ông (nhà mồ có mái che)
Tượng đá khắc chạm 2 người nam nữ đứng hầu, quay mặt vào hương án trước mộ. Theo tư liệu lưu truyền của dòng họ Lý thì người nữ có tên là Kiều Thoại Hương, người nam tên Lương Phước Thắng. Tuy nhiên về nhân thân, tiểu sử của 2 nhân vật này thì các hậu duệ của cụ chẳng ai hiểu rõ, chỉ khẳng định trong số gia nhân của cụ có 2 người thật mang tên như vậy… Sau bia mộ là mộ của cụ ông hình vuông, 4 góc đều có trụ đá cao, trên đỉnh trụ chạm khay ngũ quả
Bia mộ cụ ông có 3 hàng chữ Hán (dịch nghĩa: “Phần mộ ông hiền khảo Lý Tường Quan, nhận chức Chánh đại phu vào đời 26 nhà Thanh. Ngày lành tháng tốt năm Bính Thân: các con trai là Thanh Huy, Thanh Vân, Thanh Châu, Thanh Đẩu, Thanh Sĩ, Thanh Lan và các cháu là Văn Mạnh, Văn Quý, Văn Tài, Văn Tú, Văn Nguyên cùng lập mộ”)
Tượng người nữ (Kiều Thoại Hương) có khuôn mặt nhu mì, sống mũi cao, miệng như hé cười, hai tay nâng tách nước. Tóc cài hoa, đeo hoa tai có tua, trang phục cổ truyền Trung Hoa với áo có 2 đường viền hoa văn chạy song song trang trí hình tròn và chấm lỗ chạy từ cổ qua vai phải, choàng qua vai trái, ngực, nách theo vạt áo dài quá đầu gối. Dưới gấu áo lòi ra 2 dải rút, đầu dải có tua. Gấu váy có đến 3 đường viền trang trí lượn sóng…
Tượng người nam (Lương Phước Thắng) có thân hình vạm vỡ, đầu đội nón chóp, mặc áo dài, tay bưng hộp. Gấu áo và gấu quần lượn sóng. Chân đi giày mũi cong dạng hia, mũi giày có chữ “Thọ” nằm trong hoa văn dạng mây.
Mộ bà Nguyễn Thị Lâu (1847-1917) được an táng trong khuôn viên khu mộ, nằm song song với mộ chồng nhưng là mộ lộ thiên (không có nhà mồ). Bà là con gái một người giữ chức Biện Lý ở thôn Nhơn Giang (Gia Định), được học hành và rất giỏi nữ công. 19 tuổi bà lấy chồng (ông Lý Tường Quan). Ông bà có 5 người con (4 trai, 1 gái). Mộ của bà cũng xứng đáng là một công trình nghệ thuật, trang nhã, thanh thoát. Có tường bao vây quanh, mặt tường chính diện có 4 trụ đá hình vuông, khắc 2 cặp câu đối. Cặp đối ở hai bên cổng chính (cặp trụ đá cao) ghi: “Ô lạc, nguyệt đề, hạ sương dạ/Thảo khấp, tà huy, mộ vũ thời” (Quạ kêu, trăng xế, đêm sương lạnh/Cỏ héo, chiều tà, tối mưa giăng). Còn ở cặp cột thấp (xa nhau) là cặp câu đối: “Thiên thu ban trúc lệ/Nhất phiếu bạch vãn tâm” (Lệ rơi vân trúc ngàn thu cũ/Lòng sầu mây trắng hững hờ bay)./.