Xu hướng đầu tư vào khởi nghiệp bền vững
VOV.VN - Trong những năm gần đây, khởi nghiệp bền vững đã trở thành một từ khóa trong việc phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Xu hướng này không chỉ ở các nước phát triển và đang dần lan rộng đến các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
“Khởi nghiệp bền vững” là tên gọi đúng của những startup được thành lập với tầm nhìn tạo tác động xã hội, kiến tạo các giá trị có lợi cho cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi trường một cách ổn định, vững chắc và lâu dài.
Theo nghiên cứu của BloombergNEF, nước Mỹ đã đầu tư 114 tỷ USD vào hệ sinh thái công nghệ xanh trong năm 2021. Theo báo cáo của Dealroom, hơn 1 tỷ euro vốn đầu tư đã được rót vào các startup công nghệ xanh tại châu Âu chỉ trong tháng 9/2022. Từ đó có thể thấy thị trường khởi nghiệp bền vững đang phát triển ngày càng nhanh với quy mô ngày càng mở rộng.
Tại Việt Nam, Nhà Nước và Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ và mối quan tâm đặc biệt đến xu hướng khởi nghiệp bền vững. Phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng bày tỏ mong muốn thế hệ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển xanh, bền vững, gắn kết với cộng đồng xung quanh.
Nhờ đó, Việt Nam chứng kiến ngày càng nhiều sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, cũng như sự có mặt của các nhà đầu tư và quỹ đầu tư bền vững. Chương trình ươm tạo Lab2Market của BK-Holdings lấy trọng điểm là thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học & công nghệ từ 10 trường đại học trên toàn quốc, qua hai mùa đã có sự tham gia của những doanh nghiệp khởi nghiệp ưu tiên yếu tố bền vững: ECOFA - Sợi dứa từ thiên nhiên, Cleancat - Bộ chuyển đổi xúc tác khí thải, KINPIJO - Giải pháp đóng gói bằng công nghệ in 3D, Nanosalt - Muối giảm mặn đa khoáng, …
Đồng hành cùng Lab2Market là Quỹ tác động bền vững Impact Velocity đến từ Singapore. Theo Impact Velocity, một doanh nghiệp tác động bền vững cần có 3 tiêu chí: Phát triển con người, Khôi phục hành tinh và Chia sẻ phồn thịnh. Một hệ sinh thái bền vững cần kết nối cộng đồng, nguồn tài nguyên và đối tác để tạo ra tác động ở quy mô lớn với tốc độ nhanh chóng thông qua 3 kênh: vườn ươm tạo, quỹ tác động và mạng lưới.
Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam đã dự báo rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ chạm mức đầu tư trị giá 2 tỷ USD trong năm 2022, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á. Nhưng để hệ sinh thái này được bền vững, cần có sự kết nối với mạng lưới khởi nghiệp rộng khắp khu vực và trên thế giới. Đây cũng chính là tiền đề cho nhiều hơn nữa những cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài trong thời gian tới./.