Ông Trần Quốc- Trưởng phòng Giáo dục huyện Krông Bông, đau lòng nói về việc 5 học sinh tử vong ngày 11/3.
Sáng 14/5, người thân, bạn bè và hàng xóm của 5 học sinh vừa bị chết vùi trong một hố cát trên bờ sông Krông Bông, đau đớn tiễn đưa các em về với đất. Nỗi đau làm rúng động cả một làng quê nghèo.
Tang rủ thôn nghèo
Chúng tôi về 2 thôn nghèo Ea Luah, Yang Hanh (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) khi hàng trăm ngàn người dân tại đây đang đau đớn tiễn đưa 4 học sinh là em Giàng Văn Bàng (SN 1996- thôn Ealueh) học lớp 11A2; Ma Văn Bình (SN 1995- thôn Yang Hanh) học sinh lớp 12A4- cùng Trường THPT Trần Hưng Đạo; Lý Seo Phong (SN 2001 thôn Yang Hanh) học lớp 7B và Vàng Quang Vinh (SN 1997 buôn Ea Luah) học lớp 8A - cùng Trường THCS Cư Đrăm. Tiếng khóc than như quyện vào nhau khiến nỗi đau càng thêm ai oán.
|
Bà Vàng Thị Chư, mẹ em Bình khóc ngất khi mọi người đưa quan tài con ra nghĩa địa (Ảnh: Dân Việt)
|
Khi chúng tôi đến, thì chiếc quan tài của Vinh cũng vừa được đưa lên xe công nông ra nghĩa địa. Chiếc quan tài vừa chuyển đi thì bà Mai Thị Nga, mẹ Vinh cũng ngất lịm trong nhà. Bà Nga có 3 con, Vinh là đứa con trai duy nhất. Cơ cực trăm bề nhưng vợ chồng bà vẫn quyết tâm cho Vinh ăn học nên người. Vinh học tới cấp 2, bà cùng chồng ra nhà bà Trần Thị Bằng (ở trung tâm xã) mượn chỗ đất vườn, cùng mấy nhà nữa cất tạm cái lều cho con ở trọ mà học. “Vậy mà chưa kịp mừng thì nó đã bỏ tôi rồi”- bà Nga ngất đi.
Bà Vàng Thị Chư, mẹ em Bình cũng đớn đau không kém: “Cố thêm năm nữa là nó có cái bằng 12, rồi đi đại học. Vợ chồng đã hứa: “Con học giỏi, khổ mấy bố mẹ cũng lo”. Thế mà chưa kịp lo nó đã ra đi không nói một lời”… Ở 2 thôn nghèo này, những đứa trẻ ngoan ngoãn, siêng năng và dám quyết chí “nuôi chữ” như Vinh, Bình, Phong, Bàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà chỉ trong một ngày đã có bốn em về với đất.
Cùng với 4 em này, Lý Seo Hùng (SN 1996), trú thôn Ea Bar, xã Cư Pu, học sinh lớp 10A5 Trường THPT Trần Hưng Đạo cũng bị chết thảm.
Mơ một mái nhà bán trú
Ông Dương Kim Thạch- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, từ khi trường còn phân hiệu (2006) các em ở xa đã về đây dựng lều để trọ học. Biết cuộc sống các em vô cùng cơ cực nhưng nhà trường gần như bất lực. Nói về những học sinh vừa mới tử vong, ông Thạch khẳng định: Tất cả đều là những học sinh ngoan. Tuy học lực không có gì nổi trội nhưng nỗ lực của các em là một điều rất đáng trân trọng. “Bao năm qua, chúng tôi đã mơ về một mái nhà bán trú cho các em mà không thể”- ông Thạch nói.
Cũng nói về việc này, ông Trần Quốc- Trưởng phòng giáo dục huyện Krông Bông, đau đớn: “Nếu có một nhà bán trú thì chắc các em không phải ra sông để tắm, không phải bắt cá mò cua… để rồi xảy ra sự việc như hôm nay”.
Ông Quốc cho biết, huyện cũng đã nhiều lần đề nghị với các cấp về việc này nhưng do kinh phí tỉnh nhà hạn hẹp nên vẫn không thể giải quyết được.
Theo ông Thạch, trước đây khi các em đến ở trọ, địa phương có làm tạm trú tạm vắng nên rất dễ quản lý. Nhưng vài năm trở lại đây việc này bị bỏ ngỏ, chính vì thế hiện nhà trường vẫn không biết chính xác có bao nhiêu học sinh của trường đang trọ học bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Nhân-Hiệu trưởng Trường THCS Cư Đrăm cũng cho biết, không thể thống kê được số học sinh đang dựng lều, ở trọ để học./.