5 kiểu người không nên cho mượn tiền, kẻo rước nợ vào thân
VOV.VN - Tiền bạc là một vấn đề khá nhạy cảm, nên đôi khi nhiều người không muốn nhắc đến vấn đề này, đặc biệt là đối với những người thân thiết. Thế nhưng cuộc sống thỉnh thoảng khó khăn, chẳng may có một ngày ta phải đi vay tiền hoặc người khác đên vay tiền thì làm sao.
Người ta thường nói, hãy thử mượn tiền để biết được lòng người, trả tiền để thấu được nhân phẩm. Vấn đề mượn và trả tiền đôi khi cũng là một nghệ thuật sống, bởi tiền bạc chính là mồ hôi công sức của ta làm nên, cho người mượn rồi không trả sẽ rất sợ, nhưng không cho có khi lại mất lòng. Bởi thế ta nên biết nhìn người mà cho mượn, vì 6 kiểu người sau đây nếu cho mượn sẽ chỉ thêm thiệt thân.
1. Người thân trong gia đình, người có những tính cách không đáng tin
Người ta thường nghĩ người thân dù gì cũng có chút máu mủ tuột thịt, sẽ không chơi xấu nhau. Nên vấn đề tiền bạc đôi khi lại dễ dãi với những người thân. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mọi thứ không hoàn toàn là như vậy.
Hãy thử nghĩ, nếu cho người thân mượn nhưng sau đó họ lại không muốn trả, làm sao ta dám đòi. Nhất là những người vốn dĩ có những thói hư tật xấu như lười biếng, tham lam, ỷ lại, lợi dụng,... những người nếu đã biết có những tính cách như vậy thì ta càng nên tránh xa, bởi nếu cho mượn tiền đôi khi tiền vừa mất, mà tình cảm máu mủ ruột rà cũng sứt mẻ theo.
2. Kiểu người không có ý định trả nợ
Kiểu người này thì chắc chắn ai cũng muốn tránh xa ngàn dặm. Nhưng vấn đề là làm sao để ta biết một người đang định vay tiền ta có thuộc tuýp người này hay không.
Hãy thử dò hỏi họ vài vấn đề liên quan đến chuyện vay tiền của họ, quan điểm của người đó về tiền và vấn đề vay mượn. Hay để chính xác hơn ta nên tự đi điều tra, hỏi những người thân cận xem họ có từng có "tích" gì trong chuyện tiền nong không.
Vì thật ra vốn dĩ có những người vẫn sống với cái logic vớ vẩn là "tiền đã mượn được thì làm sao phải trả" hay "mượn mà không phải trả thì mới là oai". Những người này chính là những kẻ tham lam lợi dụng, thích "chơi bẩn" khi có cơ hội và cũng không biết trân trọng thành quả lao động của người khác.
Gặp những kiểu người này bạn nên tuyệt đối tránh xa, vì cho họ mượn tiền đôi khi lại mất luôn cả mối quan hệ, nặng hơn còn là kiện tụng, ẩu đả, ảnh hưởng cả danh dự của chính bạn.
3. Không cho người ngoài vay tiền
Cho người ta quen biết vay tiền đã lo, cho người ngoài mà ta không quen không biết còn rủi ro hơn. Đôi khi họ sẽ hứa hẹn những khoảng lợi ích khổng lồ hay lãi suất cao, nhưng nên nhớ quy luật của đầu tư là lợi nhuận càng cao rủi ro cũng sẽ càng cao.
Nếu như người xa lạ đó lại là bạn bè hay người quen của bạn thân hay người thân của bạn, mà người thân bạn lại làm người bảo lãnh thì sao. Lời khuyên trong trường hợp này là cũng không nên cho vay. Bởi nếu như người lạ kia trở mặt, mối quan hệ của bạn và người thân cũng sẽ gặp vấn đề, lúc đó bạn không thể bắt người thân trả nợ thay người kia, mà cũng không thể lấy lại được số tiền.
4. Người không giữ liên lạc với nhau, bỗng dưng xuất hiện và muốn vay tiền
Người này chắc chắn bạn nên đặt một dấu chấm hỏi to trước tiên, là vì sao họ lại chọn ta làm đối tượng mượn tiền. Bởi nếu đã một thời gian dài không liên lạc, chẳng ai lại đủ can đảm đi mượn tiền, trừ khi có gì đó ẩn đằng sau đó.
Dù trong trí nhớ của bạn, khi gặp người đó cách đây nhiều năm thì họ vẫn là người tốt, cũng đừng chủ quan. Vì bạn không hề biết bấy nhiêu năm không gặp, cuộc sống của họ như thế nào, mọi thứ đều vô thường kể cả tâm tính con người, thời gian không gặp đó ắt sẽ khiến tâm tính người đó thay đổi ít nhiều, bạn không rõ được bản chất hiện tại của họ, càng không rõ hành tung của họ, vậy khả năng tiền đưa đi không thể quay về là rất cao.
5. Người giả vờ tốt bụng, đạo đức giả
Nếu biết được một người có tính cách này, bạn không những không nên cho mượn tiền mà còn nên hạn chế giao thiệp qua lại với họ. Bởi những người này bản chất là những kẻ biết tranh thủ thời cơ, tận dụng rồi chuộc lợi cho bản thân, nên càng không đáng để tin tưởng.
Khi bạn cho họ mượn tiền, họ dùng ăn tiêu hết, nhưng đến khi trả lại ca bài ca rằng đã dùng chỗ tiền đó làm bao nhiêu việc thiện, cho người này giúp người kia. Nghe thế bạn làm sao lại không mềm lòng được, bởi ai lại nỡ đòi tiền từ một người đã làm việc thiện như vậy. Nhưng bạn đâu biết đó chỉ là chiêu trò của họ và bạn vừa trở thành một nạn nhân mới.
Vậy nếu không thể cho tiền thì làm sao để không mất lòng đôi bên
Đồng tiền mà ta đổ mồ hôi công sức để làm ra không thể cứ cho không cho những người không xứng đáng được. Nhưng nếu đó là người thân thiết bạn hiểu rõ và có thể tin tưởng được, thì đừng chần chừ giúp đỡ nếu bạn có khả năng.
Còn những người bạn đã khéo léo tỏ ý không muốn cho mượn nhưng họ cứ mãi "chai mặt", mà ta với người đó lại không thân thiết đến nỗi họ có thể tác động đến cuộc sống của mình, thì nên từ chối thẳng. Vì những kiểu người đã cố ý vẫn lì để mượn tiền, chắc chắn họ có dụng ý. Không nên mềm lòng rồi sau đó mới phát hiện ra mình vừa chơi "dại".
Nhưng nếu những người khá là thân như đồng nghiệp thì sao, không cho mượn thì lại khó nhìn mặt nhau trong công ty. Với những người này, bạn nên gợi ý rằng bạn cũng đang gặp chút khó khăn tài chính, ví dụ vừa cho ai đó mượn hay gửi về cho ba mẹ có việc. Rồi sau đó bạn hãy gợi ý giúp họ một thứ gì đó khác chứ không phải là tiền. Ví dụ họ đang than thở vì thất nghiệp, bạn hãy gợi chuyện rằng bạn có thể tìm giúp họ một công việc khác, như vậy họ sẽ hạn chế cảm giác thất vọng, mà cũng không trách được bạn./.