8 chiêu của người thành công đối phó với đồng nghiệp khó ưa

VOV.VN - Không chiến đấu kiểu một sống một còn, thiết lập ranh giới là cách mà những người thành công đối phó với đồng nghiệp khó ưa. 

Môi trường công sở cũng giống như một xã hội thu nhỏ, có nhiều kiểu người khác nhau. Có những đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy thật khó chịu, nhưng hàng ngày vẫn phải đối mặt, vẫn phải làm việc cùng. Thật may, việc “chung sống hòa bình” với những đồng nghiệp như vậy là một kỹ năng mà bạn có thể học được.

Hãy cư xử một cách thông minh khi gặp phải những đồng nghiệp khó ưa. (Ảnh minh họa)

1. Vạch ra các giới hạn (đặc biệt là với những người hay phàn nàn)

Không ai muốn dính líu tới người hay phàn nàn và có suy nghĩ tiêu cực. Bởi lẽ, những người này luôn vùi mình trong các vấn đề của bản thân và không tìm được lối thoát. Họ muốn lôi kéo người xung quanh vào cuộc để cảm thấy khá hơn.

Hầu hết mọi người đều cảm thấy áp lực vô cùng khi nghe họ than phiền, nhưng lại không muốn bị coi là thô lỗ và nhẫn tâm. Tuy nhiên, giữa việc lắng nghe, thấu hiểu và khả năng bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý tiêu cực chỉ là một ranh giới mỏng manh.

Cách duy nhất để bạn có thể tránh khỏi cái “bẫy” này là đặt ra những giới hạn và giữ khoảng cách khi cần thiết. Giả sử, nếu kẻ than phiền ấy vừa nói vừa hút thuốc lá, liệu bạn có ngồi cạnh hắn cả chiều để rồi trở thành nạn nhân của khói thuốc? Dĩ nhiên là không nên.

Cách tốt nhất để đặt ra giới hạn là hỏi xem họ định giải quyết vấn đề như thế nào. Khi ấy hoặc là họ sẽ bình tĩnh hơn, nói ít đi hoặc vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện nhưng theo hướng tích cực hơn.

2. Không chiến đấu kiểu một sống một còn

Người thành đạt hiểu rõ tầm quan trọng của việc phải tiếp tục sống để chiến đấu, đặc biệt là khi đối thủ của họ là những kẻ khó ưa. Trong quá trình xung đột, nếu không kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ rất dễ trở nên ngoan cố và lao mình vào một cuộc chiến có thể khiến bản thân bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, một khi đọc được cảm xúc của mình, bạn sẽ biết cách để hành động thật khôn ngoan và chỉ tấn công đúng thời điểm.

3. Luôn ý thức được cảm xúc của mình

Để duy trì khoảng cách về mặt cảm xúc, bạn cần phải tỉnh táo. Bạn không thể ngăn người khác khiêu khích mình nếu như không biết khi nào họ sẽ “ra tay”.

Đôi khi, bạn sẽ rơi vào tình huống đòi hỏi phải bình tâm lại, sau đó, chọn ra phương án tốt nhất để đi tiếp. Chẳng việc gì phải sợ khi kéo dài chút thời gian cho mình.

Giả dụ, khi bạn đang đi trên phố, một người thần kinh không ổn định tiến đến gần bạn, và nói anh ta là John F. Kennedy, chắc chắn bạn sẽ chẳng buồn “vạch trần” hắn.

Nếu một đồng nghiệp có những tư tưởng giống người đàn ông trên phố kia, thì cách tốt nhất là mỉm cười và gật đầu cho qua. Còn nếu muốn vạch trần anh ta, thì hãy cho mình chút thời gian để tìm ra phương án tối ưu.

4. Hãy nói ngắn gọn với đồng nghiệp

Khi thảo luận các vấn đề, hãy nói ngắn gọn và trực tiếp. Điều này giảm thiểu tình huống căng thẳng cho cả hai.

5. Hãy tặng những lời khen

Chúng ta rất thường hay chú ý vào những gì người khác làm sai. Hãy thử nhìn nhận những việc họ làm đúng và khen ngợi về điều đó. Điều này khiến mọi người cảm thấy ít bị công kích hơn.

6. Tập trung vào giải pháp chứ không phải vấn đề

Suy nghĩ quá nhiều về vấn đề mình đang đối mặt chỉ khiến bạn thêm căng thẳng. Thay vào đó, hãy tập trung tìm ra hướng hành động để cải thiện tình hình và làm bản thân tốt hơn. Bằng cách này, bạn sẽ có được những cảm xúc tích cực, đồng thời áp lực cũng được giải tỏa.

Nói đến những kẻ khó ưa, việc bạn mải mê với suy nghĩ rằng họ thật điên rồ và khó chịu chỉ khiến họ càng “lộng hành” hơn mà thôi. Bởi vậy, thay vì nghĩ đến độ phiền phức mà họ gây ra, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào việc nghĩ cách “xử lý, đối phó” họ thì hơn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát mình tốt hơn, do đó giải tỏa căng thẳng khi phải tương tác với những kẻ khó ưa đó.

 7. Ngủ đủ giấc

Khi ngủ, bộ não được nạp năng lượng, nhờ đó bạn có thể thức dậy một cách tỉnh táo vào sáng hôm sau. Khả năng tự kiểm soát, tập trung và trí nhớ sẽ giảm sút nếu bạn không ngủ đủ giấc.

Việc thiếu ngủ làm tăng lượng hooc môn gây stress, ngay cả khi không có bất cứ tác nhân gây stress nào. Một giấc ngủ ngon vào ban đêm sẽ khiến bạn suy nghĩ tích cực, chủ động và sáng tạo khi phải đối mặt với những kẻ khó ưa.

8. Sử dụng “quyền trợ giúp”

Nỗ lực một mình đương đầu mọi thứ nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng lại không hề hiệu quả. Để đối phó với những kẻ khó ưa, bạn cần phải nhận ra điểm yếu trong cách tiếp cận họ của mình. Đó là lý do bạn cần đến một nhóm trợ giúp.

Những người bạn thân, dù ở nơi làm việc hay không, sẽ luôn sẵn sàng giúp bạn một tay. Hãy tìm cho mình những người bạn như thế trong cuộc đời, và trưng cầu ý kiến cũng như sự trợ giúp từ họ khi cần. Trong hầu hết trường hợp, người ngoài cuộc thường tìm ra giải pháp tối ưu hơn vì họ không bị cảm xúc lấn át như bạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Yêu chị đồng nghiệp hơn 8 tuổi, tôi có nên tỏ tình?
Yêu chị đồng nghiệp hơn 8 tuổi, tôi có nên tỏ tình?

VOV.VN - Chị hơn tôi 8 tuổi, đã có gia đình, nhưng tôi lại không thể ngăn mình nghĩ về chị mỗi ngày. Liệu tôi có nên tỏ tình với chị, dù biết chắc sẽ thất bại?

Yêu chị đồng nghiệp hơn 8 tuổi, tôi có nên tỏ tình?

Yêu chị đồng nghiệp hơn 8 tuổi, tôi có nên tỏ tình?

VOV.VN - Chị hơn tôi 8 tuổi, đã có gia đình, nhưng tôi lại không thể ngăn mình nghĩ về chị mỗi ngày. Liệu tôi có nên tỏ tình với chị, dù biết chắc sẽ thất bại?

Công khai tình hình sử dụng điện tại cơ quan, công sở
Công khai tình hình sử dụng điện tại cơ quan, công sở

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7/8/2017 về việc tăng cường tiết kiệm điện.

Công khai tình hình sử dụng điện tại cơ quan, công sở

Công khai tình hình sử dụng điện tại cơ quan, công sở

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7/8/2017 về việc tăng cường tiết kiệm điện.