Báo chí cần thay đổi cách đưa tin về người khuyết tật

(VOV) -Nhiều phóng viên, nhà báo khi viết bài về người khuyết tật chưa thực sự hiểu rõ và còn mang nặng tư tưởng thương hại

Sáng 21/11, tọa đàm "Xóa bỏ rào cản của Người khuyết tật thông qua truyền thông" đã diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, đại diện người khuyết tật (NKT) đã chia sẻ với các phóng viên, các cơ quan báo chí, truyền thông về thực trạng NKT Việt Nam, những rào cản mà họ gặp phải, cũng như nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, khả năng học tập, làm việc của NKT.

Các ý kiến tại cuộc tọa đàm đặc biệt khẳng định vai trò to lớn của báo chí truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, xóa bỏ định kiến, kỳ thị về NKT để tăng cường tiếng nói cũng như thúc đẩy việc thực hiện quyền của NKT ở Việt Nam hiện nay. Từ đó báo chí truyền thông có cách làm phù hợp khi tiếp cận, khai thác đề tài và tuyên truyền về NKT nhằm giảm thiểu sự phân biệt đối xử kỳ thị liên quan tới NKT.

Nhiều vấn đề về NKT được đề cập tại tọa đàm


Bà Hồng Oanh (trưởng ban IDEA), một người khuyết tật chia sẻ: "Chúng tôi muốn được đối xử như những người bình thường. Chúng tôi cần được thông cảm, tạo điều kiện giúp đỡ nhưng không phải là đối tượng để thương hại, ban ơn và phân biệt đối xử". Bà cũng khẳng định xã hội đang tồn tại nhiều rào cản đối với NKT. Cơ sở vật chất như vỉa hè, tòa nhà, nhà ga, bến xe… chưa thân thiện với NKT. Đặc biệt, cản trở lớn nhất với NKT là sự phân biệt đối xử và kỳ thị của cộng đồng đối với NKT.

Anh Vũ Anh Tú - Trung tâm Sống độc lập Hà Nội (Hanoi ILC) cho biết: "Cách nhìn nhận của báo chí, truyền thông đối với NKT hiện nay còn nhiều hạn chế. Nhiều phóng viên, nhà báo khi viết bài về NKT chưa thực sự hiểu rõ và còn mang nặng tư tưởng thương hại. Trong bài viết, thái độ và ngôn ngữ còn chưa chuẩn xác và phù hợp với tâm lý, thái độ NKT". Bản thân là một người khuyết tật, anh chia sẻ nhiều lần cảm thấy không hài lòng khi đọc các bài báo viết về mình với xu hướng bi kịch hóa, anh hùng hóa. Việc báo chí, truyền thông quá nhấn mạnh khía cạnh khuyết tật và bi thương vô tình làm anh và những NKT càng cảm thấy thiếu tự tin hơn vào bản thân. Điều này cũng vô tình củng cố thêm những định kiến vốn có về NKT, rằng họ là không bình thường, là yếu ớt, là đáng thương…

Anh Vũ Anh Tú chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề báo chí truyền thông với NKT hiện nay

Anh Tú chia sẻ: "Báo chí truyền thông cần đưa tin theo xu hướng tích cực hơn. Chính lăng kính của nhà báo về NKT có ảnh hưởng to lớn đến bạn đọc và xã hội". Anh hi vọng báo chí sẽ mang tới những thông điệp mang tính chất kêu gọi, giúp đỡ và hỗ trợ tích cực với NKT để họ có thể sống tích cực, sống độc lập và thúc đẩy sự tự tin của họ.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng (Giám đốc VOV TV) khẳng định: "Những năm qua báo chí, đặc biệt là Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành cầu nối đắc lực giữa xã hội với NKT, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế, vai trò của NKT trong xã hội thông qua việc đưa thông tin về chính sách NKT, các tấm gương NKT, bảo vệ quyền của NKT… Tuy nhiên, để biến những bài viết mang tính tuyên truyền về đối xử bình đẳng đối với NKT thành thực tiễn là hết sức khó khăn. Công tác truyền thông không nên theo lối mòn, mà cần cổ vũ NKT tự vươn lên hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, ngoài việc cố gắng thông tin trung thực và đòi hỏi quyền lợi cho NKT, ngôn ngữ sử dụng khi nói về NKT phải thể hiện sự tôn trọng và tránh gây tổn thương đối với NKT".

Theo Tổng cục Thống kê (năm 2010), Việt Nam có 12,1 triệu người có khuyết tật, chiếm 15,5% dân số Việt Nam từ 5 tuổi trở lên. Trong số NKT, loại đặc biệt nặng (không thể vận động, nhìn, nghe hoặc ghi nhớ) có 574.000 người, chiếm 0,7% dân số Việt Nam từ 5 tuổi trở lên, và 4,7% tổng số người có khuyết tật.

Xã hội hiện nay chưa nhìn nhận đúng về NKT. Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) đã tiến hành khảo sát và đưa ra một vài con số thống kê sau đây về quan điểm của cộng đồng về NKT: 98% người dân cho rằng họ là những người đáng thương, 40% cho rằng NKT có thói quen ỷ lại, 66 % cho rằng NKT không thể có cuộc sống bình thường, 76% cho rằng nên gửi NKT vào các trung tâm để được chăm sóc tốt hơn.

Ngày quốc tế người khuyết tật: Ngày 3 tháng 12 hàng năm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên