Tăng tính liên kết vùng để Tây Nguyên thoát khỏi vùng trũng về ngoại thương
VOV.VN - Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đây là nội dung được bàn thảo tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên.
Hội nghị do Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức sáng nay (26/4) tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo điều kiện cho đông đảo lãnh đạo các địa phương ở Tây Nguyên, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh trong và ngoài nước tham gia. Các đại biểu tập trung trao đổi những vấn đề về hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu của Tây Nguyên; liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu; kết quả một số hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; nhận diện cơ hội và giải pháp phát triển xuất, nhập khẩu, xúc tiến thương mại thời gian tới cho vùng Tây Nguyên.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương khẳng định, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số mặt hàng xuất khẩu thuộc tốp nhất nhì khu vực cũng như thế giới như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều… Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… cũng đang phát triển nhanh, hình thành các vùng dược liệu tập trung ở Tây Nguyên.
Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Trong 2 năm gần đây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cũng theo ông Vũ Bá Phú, Tây Nguyên gặp nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, quy mô sản xuất, chế biến nông sản, nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất và thiếu liên kết nội vùng để có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh khi đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
“Để tạo ra bước chuyển mới có tính đột phá trong việc phát huy vị trí vai trò đặc biệt và khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng lợi thế phát triển của vùng, cần phải có một giải pháp thúc đẩy khoa học công nghệ, liêt kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Đặc biệt là đầu tư khai thác có trọng tâm trọng điểm các khu kinh tế cửa khẩu mới thúc đẩy được giao thương hàng hóa khu vực Tây Nguyên ngày một mạnh lên” - ông Vũ Bá Phú nói.
Nhận diện những khó khăn thách thức và cả những cơ hội trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, kỳ vọng, thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ cùng với các tỉnh đưa vùng Tây Nguyên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương.
“Các địa phương đã xây dựng chương trình hành động. Đối với tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2050 thì trong đó kỳ vọng của tỉnh Đắk Lắk tăng trưởng bình quân khoảng 11%. Thực tế hiện nay bình quân tăng trưởng trên dưới 7% như vậy kỳ vọng tỉnh đưa ra chưa đạt được. Sau Hội nghị hôm nay, thực hiện tiêu chí Hội đồng điều phối vùng thì hoạt động xúc tiến thương mại cũng như xuất nhập khẩu sẽ được theo định hướng mới, công thức mới và rất mong Cục Xúc tiến thương mại sẽ giúp cho địa phương 5 tỉnh làm để chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn” - ông Nguyễn Tuấn Hà nói.