Bệnh nhân ung thư vú không còn đơn độc
(VOV) - Bệnh ung thư vú có thể phòng và chữa khỏi, nếu chúng ta có kiến thức về bệnh ung thư vú,
Tại Việt Nam, ung thư vú (UTV) là loại ung thư thường gặp, đứng hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Tại Hà Nội tỉ lệ này là 29,7/100.000 dân, ở TP HCM là 19,1/ 100.000 dân.
Theo ông Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết trên báo Nông thôn ngày nay, mỗi năm Việt Nam có 150.000 người mắc mới, thì số tử vong lên tới 75.000 người. Hiện có khoảng 240.000-250.000 người đang phải chung sống với bệnh ung thư. Dự báo tới năm 2020, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc và 100.000 trường hợp chết do ung thư.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư vú tham dự lễ kỷ niệm thành lập "Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú" tại Bệnh viện K - Hà Nội |
Nguy cơ UTV gia tăng theo tuổi, tuy nhiên tần suất mắc tăng nhanh ở độ tuổi tiền mãn kinh. Khoảng 75% UTV được phát hiện ở phụ nữ trong độ tuổi 50, khi họ đã bước qua thời kỳ mãn kinh.
Tuy nhiên, có khoảng 80% các trường hợp UTV phát hiện được là giai đoạn II- III. Ở giai đoạn II- IIIA khối ung thư chưa xâm nhiễm và còn chỉ định mổ được.
Bệnh UTV có thể phòng và chữa khỏi, nếu chúng ta có kiến thức về bệnh UTV, việc phát hiện sớm bệnh, chữa khỏi hoàn toàn là khả quan. Còn đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư, cần có hiểu biết để đối mặt với các triệu chứng trong quá trình điều trị. Sau khi căn bệnh đã thoái lui, làm thế nào để quay lại với đời sống bình thường, cùng sinh hoạt và chia sẻ với cộng đồng là một vấn đề mà nhiều bệnh nhân ung thư gặp khó khăn.
Từ nhu cầu thực tế, sau 4 năm thành lập, hiện nay “Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú” tại Bệnh viện K – Hà Nội đã trở thành ngôi nhà chung của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa ung thư, và tất cả những ai quan tâm đến căn bệnh này.
Hàng tháng, vào thứ 7 cuối cùng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ để các thành viên cùng nhau giao lưu, chia sẻ những dấu hiệu, cách điều trị, dấu hiệu di căn, tái phát bệnh, những kinh nghiệm trong kiểm soát đau ung thư. Đặc biệt câu lạc bộ còn thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, gặp gỡ những người nổi tiếng, trò chuyện giữa các bệnh nhân và những người từng là bệnh nhân với nhau, để thắp lên niềm tin, sự lạc quan cho người bệnh.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 4 năm thành lập “Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú” ngày 27/4, bác sĩ Nguyễn Diệu Linh (Khoa Ngoại vú - Bệnh viện K) cho biết: Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, mọi thắc mắc của các thành viên xung quanh căn bệnh này như kiến thức phòng phát triển sớm UTV, các phương pháp chẩn đoán, điều trị UTV, chế độ ăn uống, thực phẩm bổ sung, giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị… sẽ được các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về ung thư giải đáp kỹ càng. Ngoài ra, đây cũng là ngôi nhà chung để các thành viên động viên, giúp đỡ lẫn nhau để bệnh nhân ung thư vú không cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác.
Bác sĩ Linh cho biết thêm: “Thông qua các buổi sinh hoạt cho thấy sự thay đổi rõ ràng trong nhận thức của người bệnh về bệnh lý. Ngoài ra, nhờ có sự kết nối, sự quan tâm, ủng hộ không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất từ các tổ chức, các cá nhân, trong 4 năm qua, câu lạc bộ cũng đã trao tặng nhiều phần quà, hỗ trợ kinh phí điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại bệnh viện. Hi vọng trong thời gian tới, câu lạc bộ sẽ nhận thêm nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, để kết nối những người quan tâm tâm đến căn bệnh này thành một tổ chức lớn mạnh"./.
Ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn, bao gồm:
Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn đầu của bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh không sờ thấy khối u ở tại vú (tại chỗ), bệnh thường phát hiện nhờ tầm soát nhũ ảnh hoặc xét nghiệm sinh thiết.
Giai đoạn I: Khối u tại vú, có kích thước nhỏ hơn 2cm và không phát hiện thấy hạch nách.
Giai đoạn II: Khối u nhỏ (2-5cm), có hạch nách cùng bên, di động.
Giai đoạn III: Khối u lớn hơn 5cm, hạch nách dính hoặc dính vào các tổ chức xung quanh.
Giai đoạn IV: Khối u có bất kỳ kích thước nào, thường có hạch và lan đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, phổi, gan, vú đổi bên, não.
Phương pháp điều trị được bác sĩ thực hiện tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được chẩn đoán, loại khối u, tình trạng thụ thể nội tiết, bệnh nhân còn kinh nguyệt hay đã mãn kinh và tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật khối u, kết hợp với các phương pháp điều trị hỗ trợ như: xạ trị, hóa trị, thuốc nội tiết, điều trị bằng các sản phẩm sinh học…