Cả nước có 23 trường hợp tử vong do bệnh dại

Đáng nói là tất cả các trường hợp trên đều không tiêm phòng sau khi bị chó cắn hoặc đi tiêm muộn.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế ) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 23 trường hợp tử vong do bệnh dại. Các trường hợp tử vọng tập trung nhiều ở khu vực miền Bắc với 20/23 trường hợp (chiếm 87%) và miền Trung với 3/23 trường hợp (chiếm 13%). Khu vực miền Nam và Tây Nguyên chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Cụ thể, tỉnh Yên Bái có 4 trường hợp; Thanh Hóa (3 trường hợp); Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ngãi và Tuyên Quang cùng có 2 trường hợp. Các tỉnh có 1 ca tử vong là Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Quảng Nam. Tất cả các trường hợp tử vong do dại do không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn hoặc đi tiêm muộn. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp tử vong do dại giảm 17 trường hợp.

Bệnh dại do một loại virus hướng thần kinh từ chó, mèo, chuột mang mầm bệnh truyền sang người qua vết cắn, cào cấu hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nước dãi từ con bệnh. Mùa hè nắng nóng nên nguy cơ bệnh dại bộc phát rất cao. Theo các chuyên gia, khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì chắc chắn tử vong, không thể cứu được.

Vì vậy, để để ngăn ngừa bệnh dại, các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo cần thực hiện tốt các quy định: Chó, mèo nuôi từ 3 tháng tuổi trở lên phải tiêm phòng bắt buộc vaccine dại; không thả chó chạy rông ngoài đường, nơi công cộng; khi đưa chó, mèo ra đường phải có chủ dẫn, có các phương tiện bảo vệ như dây xích, khớp mõm và có giấy chứng nhận đã tiêm phòng dại trong thời gian còn hiệu lực; khi chó cắn người, chủ nuôi chó phải nhốt cách ly và báo cho cơ quan thú y gần nhất để theo dõi, người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên