Các tỉnh ĐBSCL ứng phó với triều cường
VOV.VN -Trong những ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên.
Theo trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do lũ đầu nguồn đổ về kết hợp với triều cường khiến mực nước đỉnh triều tại các sông rạch ở các tỉnh Nam bộ dâng cao. Dự báo mực nước ngày 20 và 21/10, cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,0m (ở mức báo động 2; tại Châu Đốc ở mức 3,65m , trên mức báo động 2 là 0,15m). Tại TP. Cần Thơ do tác động của nước lũ làm mực nước trên sông Hậu có khả năng lên mức từ 2 ,15 m đến – 2,2m trên mức báo động III từ 0,25 – 0,3 m và đang đe dọa đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Triều cường gây ngập ở Cần Thơ (Ảnh: Radio Vietnam) |
Theo ghi nhận của phóng viên. hiện 5 km đê có cao trình 2,5m tại cồn Sơn được gia cố vững chắc, đảm bảo cho 85 hộ gia đình sinh sống trong mùa mưa lũ này. Ông Bùi Xuân Định, Trạm trưởng Trạm thủy lợi quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết, mặc dù đê bao đã được xây dựng vững chắc, nhưng lực lượng vẫn luôn túc trực tại các điểm, các chốt để xác định mực nước cũng như dòng chảy trên các con sông để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống vỡ đê..
Quận đã thành lập 2 tổ thường trực trong những ngày nước triều lớn. Một tổ bên cồn Khương gồm 5 người cộng với UBND là 7 người lúc nào cũng có mặt. Tổ thứ 2 bên cồn Sơn là 11 người phải thường xuyên 24/24 làm công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát đê bao, trực mực nước, kiểm tra xem có chỗ nào hỏng hóc hoặc lỗ mọi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra tình hình phòng chống triều cường tại các cồn trên sông Hậu cho thấy, tại các điểm xung yếu ở các cồn Khương, cồn Sơn, cồn cái Khế đã được gia cố , thân đê kè vững chắc có khả năng chống chịu đợt triều cường hiện nay.
Như cồn Ấu thì mực nước sáng nay còn cách mặt đê trên dưới một thước tương đối vững và dọc tuyến từ cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Sơn của Bình Thủy và Ninh Kiều thì mực nước còn cách mặt đê trên một thước. Do đó tình hình chịu đựng lũ triều năm nay tương đối tốt. Do đó, các địa phương phải luôn luôn trong tinh thần ứng phó để chúng ta bảo vệ tài sản, đảm bảo sinh hoạt của người dân cũng như các khu vực sản xuất.
Cùng với hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy, công tác chuẩn bị ứng phó với đợt đỉnh triều sắp tới ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố/ đang được các địa phương ở thành phố Cần Thơ thực hiện khẩn trương.
Tại huyện Phong Điền, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã dự phòng 3.500 bao cát chuẩn bị tại các khu vực xung yếu để sẵn sàng gia cố khi nước tràn bờ.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, địa bàn Cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè nơi thường bị sạt lở do nước lũ hàng năm trên tuyến sông Hậu, năm nay người dân và chính quyền địa phương cũng an tâm trong mùa mưa lũ. Cùng với nguồn kinh phí của nhà nước hơn 2 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 120 triệu đồng, đến nay địa phương đã xây dựng tuyến đê bao khép kín có chiều dài hơn 3 ngàn 200 m tại khu vực ấp An Lộc; gia cố gần 1.500 mét đoạn đê bao có nguy cơ bị sạt lở, góp phần bảo vệ an toàn cho hơn 120 ha vườn cây ăn trái và hơn 100 hộ dân sinh sống.
Ông Nguyên Văn Cảnh – hộ sống tại vùng xung yếu nhất của xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè nói: “Trước đây, khi nhà nước chưa làm đê bao người dân chúng tôi khổ lắm, ngủ không được; bờ tràn, lớp nào bị vỡ. Nay nhà nước cái đê này nhân dân chúng tôi rất khỏe, chỉ lo sản xuất thôi, không còn lo lắng bờ bọng, nước nôi nữa.”
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, trong những ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên. Đến ngày 23/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,15m, trên báo động 2 là 0,15m, thấp hơn đỉnh lũ đầu tháng 10 là 0,2m; tại Châu Đốc lên mức 3,8m, dưới báo động 3: là 0,2m, tương đương với đỉnh lũ đầu tháng 10.
Tại các trạm chính vùng cuối nguồn nước còn tiếp tục lên chậm trong 1 - 2 ngày tới và dao động trên báo động 3 từ 0,1 - 0,4m; sau đó xuống dần theo triều. Do vậy, các địa phương cần tăng cường công tác trực 24/24, tập trung gia cố đê bao, chuẩn bị máy bơm tát sẳn sàng ứng phó để bảo vệ tài sản và tính mạng người dân khi có sạt lở xảy ra./.