Có thể trục xuất vị sư tự đưa tượng giống mình vào chùa
VOV.VN -Chính quyền địa phương có quyền đề nghị phối hợp với ngành Phật giáo để xử lý. Điều này chúng ta đã từng thực hiện.
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong trao đổi với VOV online đã khẳng định như vậy và cho biết: Về mặt tâm linh, tượng trong chùa là di sản chung chứ không phải của riêng nhà sư trụ trì nên không được tự ý di chuyển. Nếu là di tích quốc gia thì càng không được phép.
“Luật pháp đã qui định, với di tích quốc gia thì tất cả phải giữ nguyên hiện trạng, kể cả kết cấu, kiến trúc cũng như các hiện vật đặt trong các di tích quốc gia như chuông, khánh, pho tượng”.
Thượng tọa Đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết, ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cho biết ý kiến đối với việc với người dân tố cáo nhà sư Thích Minh Phượng, trụ trì chùa Chân Long Tự (xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) tự ý đổi tượng cổ thay bằng tượng chính mình.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết: “Việc thay tượng là thực hiện theo Luật Di sản chứ không thể tùy tiện muốn làm thế nào thì làm”.
Về chuyện bất hòa giữa người dân và hòa thượng, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết “Chưa nắm được kỹ nhưng ở đâu thì nhà chùa cũng phải được lòng dân. Việc này Thành hội Giáo hội Phật giáo TP. Hà Nội sẽ xem xét để có ý kiến.
Ngoài ra, theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, nếu một nhà sư không được lòng dân, có nhiều điều tiếng việc điều chuyển hay xử lý thế nào là trên cơ sở lòng dân.
Còn theo ông Lê Như Tiến, việc trục xuất các vị sư trụ trì không đủ tư cách ra khỏi địa phương phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và giáo hội Phật giáo. Nhưng khi có dấu hiệu về những sai trái của các vị trụ trì thì chính quyền địa phương có quyền đề nghị phối hợp với ngành Phật giáo để xử lý. Điều này chúng ta đã từng thực hiện rồi./.