Đừng làm mất đi ý nghĩa của con đường gốm sứ
(VOV) - 2 năm sau kỳ Đại lễ nghìn năm Thăng Long, con đường gốm sứ đang bị xuống cấp.
Con đường gốm sứ ở thủ đô Hà Nội là công trình nghệ thuật đặc sắc đi qua quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ, được xây dựng chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tuy nhiên, hiện công trình văn hóa này đang bị xuống cấp nghiêm trọng và bị xâm hại bởi sự thiếu ý thức của người dân cũng như việc quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan quản lý…
Với chiều dài gần 4km và diện tích khoảng 6.500 m2, con đường gốm sứ là bức tranh gốm do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công thực hiện, mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng…Công trình này đã từng đạt kỉ lục Guinness bức tranh gốm dài nhất thế giới. Ý nghĩa của con đường gốm sứ hẳn ai cũng nhận thấy - Đó là sự đa dạng của những bức tranh được làm bằng gốm sứ, không chỉ làm cho con đường dọc đê trở nên độc đáo mà còn làm cho Hà Nội, trái tim của cả nước ấn tượng hơn.
Con đường gốm sứ đang bị huỷ hoại. |
Thời gian qua, con đường gốm sứ không chỉ thu hút được du khách từ mọi miền về thăm Thủ đô mà còn làm say đắm biết bao khách du lịch quốc tế muốn được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật này. Thế nhưng, 2 năm sau kỳ Đại lễ, con đường đang bị xuống cấp. Nhiều cột đèn cao áp dựng trên đoạn từ gầm cầu Long Biên đến chân cầu Chương Dương ốc vít hoen gỉ, thân cột bong tróc trơ cốt sắt. Nhiều đoạn đường, nhất là những nơi có cột đèn “che đỡ” bị biến thành “điểm vệ sinh công cộng”, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Có mặt tại khu vực gần cổng chợ Long Biên và quan sát, mọi người đều không khỏi bất bình khi vỉa hè, gầm cầu đã bị biến thành nơi bán hàng nước, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Quang Trường ở tỉnh Hưng Yên cho rằng: Con đường gốm sứ hình thành mang lại diện mạo mới, cũng là nét đẹp về văn hóa của Thủ đô. Nhưng hiện tại, con đường gốm sứ đang bị xuống cấp do một phần người dân không có ý thức bảo quản. Hiện nay, đã có nhiều mảng bong tróc mà nguyên nhân một phần là do điều kiện thời tiết, nhưng nguyên nhân chính lại là do người dân ảnh hưởng đến”.
Con đường gốm sứ là một trong những công trình văn hóa ý nghĩa được để lại sau dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long. Nếu để xuống cấp như hiện nay sẽ để lại hiệu ứng phản cảm, lãng phí công sức của nhiều người đã dành tâm huyết cho công trình này.
Giáo sư sử học Dương Trung Quốc rất bất bình khi con đường gốm sứ bị xâm phạm như hiện nay: “Con đường gốm sứ là công trình được để lại sau lễ hội tương đối trọn vẹn, là công trình nằm ở ngoài trời, có lưu lượng người qua lại đông, ở khu vực nhạy cảm, đi qua nhiều đìa cửa khẩu, barie, khu chợ đầu mối… thì việc quản lý, không bảo vệ được thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thành phố Hà Nội, điều đó thể hiện sự lãng phí công sức của mọi người. Cơ quan quản lý đô thị cũng cần đưa ra phương án bảo vệ như: không để xây dựng quán xá bừa bãi, tăng cường an ninh, vệ sinh cọ rửa hàng ngày”.
Để khắc phục những bất cập đang làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của “Con đường gốm sứ”, năm 2011 Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành quy định tạm thời về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Thế nhưng sự thiếu ý thức của nhiều người dân cho thấy việc thực hiện quy định này chưa được thực hiện hiệu quả…Đã đến lúc, các cơ quan quản lý đô thị cần phải có ngay các phương án duy tu, bảo vệ con đường. Đồng thời xử lý nghiêm những người cố tình gây mất trật tự, ảnh hướng đến mỹ vẻ đẹp và mỹ quan của con đường gốm sứ./.