“Game online làm hỏng con tôi!”

“Giá có thứ thuốc nào uống để nó quên đi game thì tốn bạc triệu tôi cũng mua, hoặc có trung tâm cai nghiện điện tử thì tôi cũng gửi nó vào ngay…” 

Mỏi mắt tìm con

Gần 12 giờ đêm, nhà cửa hai bên đường của thị trấn Phố Mới - Bắc Ninh đã tắt đèn, bà Nguyễn Thị T. vẫn lầm lũi dắt chiếc xe đạp cọc cạch hết quán game này sang quán game khác tìm con. Hình ảnh một người phụ nữ lưng còng, nhỏ thó dắt xe đạp đi tìm con đã khá quen thuộc với các chủ quán game online. Bà T. cho biết đã 3 ngày nay thằng con trai duy nhất không về nhà, biết chắc con đã “kiếm chác” tiền của ai đó, có tiền nó sẽ “cày” game suốt ngày đêm và không nhớ đường về.

Đây không phải là lần đầu thằng con trai bà T. bỏ nhà đi, đã 4 năm nay, bà không còn nhớ đã phải đi tìm nó bao nhiêu lần. Từ lớp 1 đến lớp 8, Nguyễn Văn Hải - con bà luôn là học sinh tiên tiến, lớp 6 Hải còn được chọn đi thi học sinh giỏi môn toán. Đặc biệt, cậu rất đam mê máy móc, đồ điện tử. Có lần cậu làm cho mọi người trong làng sửng sốt vì chiếc thuyền do cậu chế tạo chạy băng băng trên hồ. Được người anh họ cho biết, học Đại học Bách Khoa sẽ được chế tạo máy móc, nên lúc nào Hải cũng mơ sẽ thành sinh viên trường Bách Khoa. Thế nhưng khi lên đến lớp 8, bị bạn bè rủ rê, Hải dần mê chơi điện tử, cũng từ đó cầm quyển sách lên tay là thấy buồn ngủ. Tiếp theo đó là hàng loạt các giấy mời phụ huynh lên trường vì con không đóng quỹ lớp, quỹ đoàn, tiền học thêm và bỏ tiết quá nhiều… khiến vợ chồng bà T. đau đầu. Chật vật mãi mới đỗ được vào lớp 10, nhưng Hải bỏ học liên miên. Bốn năm sa đà trong game online thì ba năm bị “đúp”, lớp 8 đúp lại một năm và đến lớp 10 thì lưu ban hai năm liền. Đó là kết quả mà Hải phải nhận khi ngày đêm nghĩ về các trò chém giết trên thế giới ảo và nghĩ cách có tiền để chơi game. Bà T. tâm sự: “18 tuổi rồi, con người ta đỗ vào đại học nọ, cao đẳng kia, con mình thì vẫn chưa học xong lớp 10… Năm tới nhà trường còn không cho học, thế nhưng bây giờ đầu óc nó đâu nghĩ được những việc ấy”.

Trước đây, ai cũng nghĩ chỉ con trai mới nghịch và nghiện game, nhưng bây giờ suy nghĩ ấy không còn đúng. Trong thôn bà T., không thiếu những tay game thủ siêu hạng là nữ nhi. Con ông Nguyễn Văn Thanh là một điển hình. Máu mê chơi game, Thủy - con gái ông bỏ qua tất cả những lời đàm tiếu. Thủy bỏ nhà, bỏ học, để “cày” game qua đêm là chuyện thường. Lo cho con gái, hai vợ chồng không ngủ được, nên có khi 1 giờ sáng ông vẫn phóng xe đi tìm con. Biết bố sẽ đi tìm, nên Thủy thường trốn trong phòng “đặc biệt” chỉ có chủ quán và tay chơi “ruột” mới biết.

Các phương pháp “cai nghiện”

Ước mơ trở thành sinh viên Đại học Bách khoa năm nào giờ đã quá xa vời với Hải. Nhìn đứa con thất học lại bé quắt queo so với tuổi 18, bà T. không khỏi đau lòng. Đã biết bao lần bà khuyên con, giảng giải cho con hiểu đâu mới là cái cần thiết của con người để bước vào cuộc sống. Những lúc ấy, Hải cũng tỏ ra nghe lời và hứa sẽ từ bỏ. Vợ chồng bà quyết định làm ít đi để có thời gian chăm con, giúp con cai nghiện game online. Đều đặn, chồng bà đưa con đi học, chờ cho con vào trong lớp rồi mới về, trưa lại đến đón con. ở nhà thì thường xuyên giám sát, đi ngủ khóa cửa nhà, cửa ngõ cẩn thận. Thi thoảng đưa con đi thăm người thân, bạn bè của bố mẹ… mong con quên đi cái trò chơi quái ác kia. Thế nhưng chỉ được vài hôm, mọi nỗ lực của ông bà đều trở thành vô ích. Sợ không “cày” game thường xuyên thì nhân vật trong thế giới ảo sẽ không trụ được hạng nên đợi bóng ông khuất sau hàng cây trước cổng trường, Hải liền vượt tường ra ngoài. Đêm khuya, chờ bố mẹ đi ngủ Hải trèo từ tầng hai xuống để tìm đến quán game. Có hôm lên thăm thấy con đã say giấc rồi bà T. mới đi ngủ, thế nhưng nửa đêm lại thót mình khi lật chăn lên mà chẳng thấy con đâu.

Là người hiền lành nhỏ nhẹ, nhưng ông Thanh đã làm gẫy gần chục cái roi mây vì đánh con gái ngỗ ngược nghiện game. Mới hơn tháng trước, một nữ game thủ đã rủ Thủy cùng một đứa con gái nữa trong làng sang Trung Quốc làm ăn để có tiền chơi game online. Biết tin, ông Thanh hỏa tốc lên biên giới tìm con về. Sau lần xuất ngoại để thực hiện ước mơ chơi game thoải mái không thành, bị bố mẹ đánh mắng, làng xóm chê cười nhưng Thủy vẫn không nguôi ý định bỏ nhà đi. Sợ mất con một lần nữa, ông Thanh xích chân con gái vào cột nhà, đến bữa thì mang cơm cho ăn. “Thương con lắm nhưng không có cách nào, còn hơn để nó lang bạt ngoài đường, trố mắt với mấy trò game ” - ông Thanh buồn rầu “không biết sau này còn ai dám lấy nó…”.

Trượt dài…

Tiền chơi game đã tốn nhưng tiền mua áo, kiếm, vật dụng cho nhân vật ảo còn tốn hơn. Có những thanh kiếm ảo lên tới hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Để có tiền chơi và mua đồ ảo, nhiều thanh thiếu niên đã “bỏ quên” nhân phẩm, đạo đức. Tết năm vừa qua cả gia đình bà T. như có đám tang. Chiếc xe máy bỗng dưng biến mất mà không dám kêu vì có lời đe dọa: con gái cùng thằng con trai của bà sẽ bị hại nếu gia đình bà báo công an. Quá choáng váng, hoang mang, bà T. như người mất hồn trong suốt mấy ngày Tết. Nhưng còn choáng váng hơn khi biết thủ phạm trộm chiếc xe máy cùng những lời đe dọa trên là của chính cậu con mà mình dứt ruột đẻ ra. Để có thể tiếp tục “chiến đấu”, Hải vay chạy bạn bè, rồi trộm cắp gà vịt, xoong nồi và sau đó là những thứ lớn hơn như xe đạp, xe máy… Từ một người hiền lành, ngoan ngoãn, Hải đã trở thành một đứa cục cằn, thô lỗ, hay chửi bậy, nói tục và trộm cắp… “Ai đời con cái lại đe dọa bố mẹ, nó không phải là con tôi nữa”, bà T. đau lòng.

Mới đây, người dân không khỏi bàng hoàng khi nghe tin hai em Trần Văn Quý (17 tuổi) và Đàm Văn Ngọc (15 tuổi) trú tại Nam Sơn - TP. Bắc Ninh giết anh họ, cướp xe máy để lấy tiền chơi thiên long bát bộ. Ngày 13/8, Cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh đã quyết định khởi tố hai bị can này. Hiện nay, game online đã trở thành ma túy đối với nhiều thanh thiếu niên. Phải làm gì để cứu vớt một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ đang trượt dài trên dốc game online?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên