Gia Lai: Tri thức trẻ nơi vùng sâu

Nhiều trí thức trẻ đã thích nghi với điều kiện khó khăn ở cơ sở, phát huy được năng lực của mình, góp sức xây dựng vùng sâu, vùng xa ngày một phát triển  

Gần 2 năm triển khai Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai về việc “Tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác”, đến nay đã có 120 trí thức trẻ tình nguyện về các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa công tác. Đề án này bước đầu đã có hiệu quả, khi nhiều trí thức trẻ đã thích nghi với điều kiện khó khăn ở cơ sở, phát huy được năng lực của mình, góp sức xây dựng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai ngày một phát triển.

Anh Phan Đình Hân, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP HCM, là một trong số những sinh viên đầu tiên tình nguyện về Krong, một trong những xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Mới bám xã hơn một năm, Hân được tin tưởng giao phụ trách nhiều công việc, từ công tác định canh, định cư, giao thông thủy lợi đến hướng dẫn bà con cách chăn nuôi… Ngoài ra, anh còn tham gia dự án FLITCH về cải thiện đời sống cho các dân tộc vùng Tây Nguyên với tư cách là thành viên Ban Phát triển Nông nghiệp xã Krong. Ngoài phụ trách mảng nông lâm nghiệp, anh kiêm luôn cả vai trò là bác sĩ thú y.

Vào những đợt cao điểm phòng chống dịch, một ngày anh tiêm phòng cho vài chục con bò, nên không có lúc nào ngơi tay. Làm việc ở xã, nhưng xuống công tác ở các làng xa tới hơn 3 chục cây số, đường mưa lầy thụt cũng là chuyện thường.

Cũng là một kỹ sư nông nghiệp trẻ, được đào tạo tại Đại học Nông Lâm TP HCM, chị Trần Thị Thanh Bình được bố trí công tác tại xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ. Cả xã chỉ có một cán bộ nông nghiệp nên chị rất bận việc, từ kiểm tra đồng ruộng, gia súc đến hướng dẫn bà con trong trồng trọt, chăn nuôi sao cho hiệu quả. Gần 2 năm ở vùng biên giới, chị Bình nhận ra rằng: Muốn thay đổi phương thức sản xuất của bà con không thể nóng vội mà phải làm từ từ. Yêu cầu đặt ra với người cán bộ là phải thật kiên trì và chịu khó xuống cơ sở, có lối sống gần gũi với bà con. Càng tiếp xúc thì khoảng cách giữa chị và người dân càng được rút ngắn lại, công tác được thuận lợi hơn.

Chị Trần Thị Thanh Bình chia sẻ: “Lúc đầu cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian cố gắng tôi cũng hòa nhập được. Và bắt đầu làm quen công việc, thường xuyên tìm hiểu phong tục tập quán, cung cách làm việc của địa phương. Tôi cũng cố gắng tìm tòi và học hỏi nhiều tài liệu để làm tốt chuyên môn của mình được giao”.

Cùng với các kỹ sư thuộc các chuyên ngành tự nhiên, cử nhân thuộc các chuyên ngành xã hội, khi được tuyển về xã cũng phát huy được năng lực của mình. Chị Trần Thị Thảo, tốt nghiệp Khoa Công tác xã hội- Đại học Đà Lạt năm 2009. Sau thời gian xét tuyển, chị được đưa về làm việc tại xã  Đăk Tơ Ver, huyện Chư Pảh, nơi có hơn 97% đồng bào dân tộc Ra Jai sinh sống. Hàng ngày, ngoài công tác chuyên môn tại văn phòng Đảng ủy xã, chị Thảo rất năng nổ trong công tác đoàn, công tác của hội phụ nữ như vận động thanh niên làm tốt vệ sinh môi trường ở đường làng, ngõ xóm, tuyên truyền, vận động phụ nữ sinh đẻ đúng kế hoạch... Sáng tạo trong công việc, đóng góp tích cực vào công tác đoàn hội, chị Thảo được Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Tơ Ver đánh giá cao. Chỉ sau hơn nửa năm làm việc, chị được Đảng ủy xã cử đi học lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng và được cơ cấu cán bộ nguồn… 

Ông Phạm Quy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Pẳh, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Xã cũng rất mừng khi cán bộ trẻ giải quyết công nhịp nhàng và hoàn chỉnh. Tình thần làm việc nhiệt tình, năng động, sáng tạo, đồng thời thực hiện tốt mọi vấn đề tại cơ quan cũng như là quy chế làm việc. Tư tưởng cán bộ trẻ đều tốt, đoàn kết trong nội bộ. Thời gian mới có hơn một năm thôi nhưng hiệu quả là quá tốt đối với vùng đặc biệt khó khăn như xã tôi”.

Qua gần hai năm triển khai Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai, đến nay đã có 120 sinh viên tốt nghiệp đại học được đưa về các xã khó khăn của tỉnh. Trong đó hơn một nửa số cán bộ này là kỹ sư các lĩnh vực về nông nghiệp như: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, quản lý đất đai…

Theo ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Các trí thức trẻ được tuyển theo đề án đã bước đầu phát huy được hiệu quả và được cơ sở đánh giá tích cực. Đặc biệt, trong cuộc bầu cử HĐND các cấp vừa diễn ra, có 4 cán bộ thuộc đề án này đã được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là Đại biểu HĐND các cấp. “Đề án của tỉnh Gia Lai cũng mới đánh giá ban đầu. Và cũng mừng là các địa phương phản ánh đối với các em đưa về cơ sở hiện nay nhiều em phát huy tốt vai trò của mình. Trong kỳ bầu cử HĐND các cấp kỳ này cũng nhiều em trưởng thành bầu vào làm Phó Chủ tịch và đại biểu HĐND. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các huyện, các địa phương cần những nghề gì để thực sự tuyển chọn phù hợp với nghề đó. Trong đó đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiện nay là lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực khuyến nông… thì các em học nghề này sẽ được tuyển chọn và đưa về cơ sở”- Ông Hà Sơn Nhin, nói.

Tiếp tục triển khai Đề án này, từ nay đến hết tháng 10 năm nay, tỉnh Gia Lai sẽ tuyển thêm 45 cử nhân để bổ sung cho 45 xã, đảm bảo 165 xã vùng khó khăn của tỉnh có đủ nguồn lực cán bộ trẻ, nhằm nâng cao năng lực cho bộ máy chính quyền cơ sở, làm tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Với những gì trí thức trẻ về xã đã thể hiện trong gần 2 năm qua, mục tiêu này của Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai có triển vọng sớm thành hiện thực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên