Khách quốc tế lưu trú tại Đắk Lắk tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
VOV.VN - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, đã có 125.000 lượt khách đến Đắk Lắk tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó tỉ lệ khách quốc tế lưu trú tăng mạnh.
Cụ thể, tỉnh đã đón 123.500 khách nội địa và hơn 1.500 khách quốc tế, tổng lượt khách tăng hơn 8% so cùng dịp năm trước. Trong đó, có khoảng 57.500 lượt khách lưu trú, tăng gần 11%; khách lưu trú là người nước ngoài tăng gấp 4 lần.
Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt khoảng 75%. Tại một số khách sạn khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và các homestay ven sông, suối, công suất sử dụng phòng đạt trên 90%. Tổng doanh thu du lịch trong của Đắk Lắk dịp này đạt 62,5 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình du lịch về sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp. Do dịp nghỉ lễ này vào đúng cao điểm mùa khô, thời tiết những ngày qua nắng nóng nên các loại hình du lịch này là lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách.
Cùng với đó, trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, ở tỉnh diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, như: giải boxing các đội mạnh toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, Giải chạy Đắk Lắk Marathon 2024, chương trình nghệ thuật “Những người con ưu tú của đại ngàn”. Các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh cũng chủ động tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ du khách.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết thêm, bước sang quý 2 và quý 3 là mùa cao điểm du lịch của khách nội địa nên thời gian này tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, giới thiệu và quảng bá du lịch đến các tỉnh thành trong cả nước, qua đó kích cầu và thúc đẩy du lịch ở tỉnh phát triển tốt hơn.
“Sau lễ, Sở lại tiếp tục tổ chức các hoạt động đưa văn hóa cồng chiêng, ca kịch Khát vọng Dam San của Đắk Lắk, Tây Nguyên xuống với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và thị trường phía Nam để nhân dân, du khách biết được thêm về văn hóa Tây Nguyên. Chúng tôi kỳ vọng qua quá trình xây dựng các hoạt động du lịch, du khách sẽ đến với Tây Nguyên, đến với Đắk Lắk” - bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nói.