Hà Nam khó xóa lò gạch thủ công

Một trong những nguyên nhân là các địa phương đã ký hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp một cách dễ dãi, dài hạn, vượt quá những quy định của Chính phủ.  

Theo chủ trương của Chính phủ, đến hết năm 2010 các địa phương phải hoàn thành việc xoá lò gạch thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nam vẫn còn hàng trăm lò gạch thủ công đang hoạt động, tập trung tại các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục. Việc xoá các lò gạch này gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù thời gian qua tỉnh Hà Nam đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, đôn đốc các địa phương thực hiện chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh nhưng theo số liệu thống kê mới đây, các địa phương mới tháo dỡ được 8 lò trong tổng số 361 lò gạch thủ công.

Lò gạch thủ công ở Duy Tiên - Hà Nam (Ảnh:internet)

Nguyên nhân của việc chậm trễ xóa bỏ lò gạch thủ công do trước đây các địa phương đã ký hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp một cách dễ dãi, buông lỏng, thời hạn hợp đồng sản xuất dài hạn, vượt quá những quy định của Chính phủ. Cá biệt có địa phương ký hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp đến năm 2013 như các xã Mộc Bắc, Bạch Thượng (huyện Duy Tiên).

Trong khi đó, hầu hết các địa phương khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp đều thu nhận tiền thầu 1 lần cho cả hợp đồng với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng như xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên. Số tiền này đã được địa phương đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học...

Tiền đã nhận, đã chi tiêu dẫn đến việc thanh lý hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn vì địa phương không biết lấy từ nguồn nào để trả lại cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp căn cứ vào thời hạn hợp đồng đã đầu tư trang thiết bị, nguyên vật liệu dự trữ để sản xuất dẫn đến tâm lý chần chừ, chưa muốn tháo dỡ với hy vọng còn được ngày nào hay ngày đấy.

Đơn cử như doanh nghiệp Xuân Tuấn, Hoàn Dương, Việt Hùng thuộc địa bàn các xã Mộc Nam, Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) đã dự trữ lượng đất để sản xuất trên 30 triệu viên gạch, cùng với đó là lượng than hàng nghìn tấn.

UBND tỉnh Hà Nam đã gia hạn cuối việc xoá bỏ lò gạch thủ công vào ngày 30/6/2011 và ban hành một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với chủ các lò gạch và người lao động.

Tỉnh chủ trương hỗ trợ kinh phí cho một số chủ lò gạch chuyển đổi sang mô hình sản xuất đa canh hoặc đầu tư công nghệ tiến tiến trong sản xuất gạch; hỗ trợ người lao động có hợp đồng lao động tại các cơ sở có giấy phép hoạt động còn thời hạn như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...; đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ, quan tâm giải quyết các vấn đề sau cưỡng chế dỡ lò gạch…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên