Hà Nội: Trời rét đậm, trẻ em nhập viện tăng đột biến

(VOV) - Các bệnh chủ yếu trẻ thường mắc phải là bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy do virus...

Loay hoay tìm cách chăm con

Nhiệt độ giảm sâu, kéo dài đã ảnh hưởng không ít tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thực tế đã ghi nhận tại khoa nhi và bệnh viện Nhi tại Hà Nội số bệnh nhi nhập viện vì mắc các chứng bệnh hô hấp, tiêu chảy, sốt virus… tăng đột biến so với ngày thường.

Khu vực hành lang tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai trở nên bộn bề so với mùa hè bởi những chăn màn, quần áo ấm của bệnh nhân và người chăm nuôi. Hai đầu hồi của dãy nhà đều trở nên chật chội. Người nằm, người ngồi co ro trong chiếc chăn mỏng chống rét chờ đến lượt khám.

Số trẻ nhập viện vào những ngày rét tăng đột biến so với ngày thường

Anh Lê Văn Linh (TP Sơn La – tỉnh Sơn La) ngồi ủ rũ tại cầu thang lo lắng chờ kết quả khám bệnh của cậu con trai 11 tuổi. Cả đêm trời lạnh, giường bệnh có tới 4 -5  cháu, không đủ chỗ cho người nhà nên anh mua thêm chiếu cói, thêm chiếc chăn mỏng đem ra khu vực cầu thang “chiếm” một chỗ nằm cho đỡ rét. Anh kể, cách đây 1 tuần cậu con trai bị đau họng kèm sốt, mặc dù đã uống thuốc nhưng không khỏi. Sau đó cháu chuyển sang đau chân, không đi, không đứng được. Khám tại bệnh viện tỉnh Sơn La, bác sĩ chuẩn đoán cháu bị tắc động mạch và chuyển ngay xuống khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai.

“Từ khi nhập viện đến nay, ngày nào cháu cũng phải lấy máu, nhưng vẫn chưa có kết luận cháu bị bệnh gì”, anh Linh thở dài cho biết.

Nhập viện vào mấy ngày thời tiết Hà Nội rét đậm, rét hại khiến anh xoay sở không kịp. Lường trước phải nằm viện dài ngày, anh Linh mua ngay một túi sưởi để con trai ôm cho ấm, rồi gọi điện cho người nhà gửi quần áo ấm xuống sau.

Lên chăm nom con gái đang học lớp 6 bị mắc bệnh viêm đa khớp đã gần hai tuần nay, anh Nguyễn Văn Tuynh (Xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) xuýt xoa vì giá rét. Trước đó, con gái anh có biểu hiện đau các khớp ngón tay, ngón chân đồng thời bị sốt liên tục trong nhiều ngày liền, có thời điểm sốt gần 40 độ. Thuốc kháng sinh và hạ sốt bác sĩ kê cũng không làm cháu giảm nhiệt và đỡ đau.

Sau 4 ngày điều trị tại nhà, vợ chồng anh đưa cháu đi khám, bác sĩ mới kết luận cháu bị viêm đa khớp. Sau gần 2 tuần điều trị, hiện cháu vẫn sốt một ngày hai lần vào sáng sớm và chiều tối.

Thời tiết khắc nghiệt kéo dài, khiến bệnh nhi nhập viện tăng đột biến so với ngày thường. Mỗi giường bệnh thường có từ 4 -5 cháu. “Có những buổi trưa, các cháu nhỏ vào khám rất đông, mình chỉ ngại phòng đông và chật, sợ con nằm ngủ không ngon giấc nên tự nguyện đưa cháu ra ngoài khu vực cầu thang với mình để nghỉ cho thoáng, nhường chỗ cho các cháu bé hơn”, anh Tuynh chia sẻ.

Mấy ngày đầu, con bị sốt cao, anh phải nằm dưới nền đá hoa của bệnh viên, túc trực bên con. Không chịu được cái lạnh đến thấu xương, thấy sức khỏe của con tiến triển tốt hơn anh mới tìm một chỗ ngoài khu vực cầu thang, trải chiếu nằm cho đảm bảo sức khỏe. Anh nói: “Con đã ốm mà mình cũng ốm theo thì lấy ai chăm con, nên trời có rét mấy chứ rét nữa cũng phải cố chịu và cũng không để mình bị ốm được”.

Phần lớn trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, sốt virus

Bác Kiên (ở Trương Định – Hà Nội) đang bế ngửa cháu ngoại mới hơn một tháng tuổi, chờ thanh toán viện phí. Từ khi trời rét, cháu của bác đã có biểu hiện ho, ít ngủ, quấy khóc, lại bú kém. Con gái mới làm mẹ lần đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa lo sợ con bị mắc bệnh gì nên gia đình cho cháu đi khám ngay. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi, phải nằm viện điều trị trong 6 ngày. Ở bệnh viện lại ồn, trong khi nhà ở gần, sợ cháu không quen nên gia đình xin điều trị ngoại trú. Cứ 7 rưỡi sáng, bà cháu, mẹ con lại lỉnh kỉnh đồ đạc, cộm áo, cộm chăn bắt taxi đến bệnh viện để bác sĩ khám, chiều 5h lại về nhà.

Bác Kiên cho biết, nghe dự báo thời tiết thấy Hà Nội còn rét đậm, rét hại kéo dài, nên gia đình quyết định đưa cháu đi đi về về. Dù là vất vả, mệt cả bà cả cháu nhưng ở nhà còn có điều hòa, máy sưởi, lại yên tĩnh, cháu sẽ đủ ấm hơn.

Chăm trẻ đúng cách

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước, trong và sau Tết dương lịch, số bệnh nhi nhập viện tăng từ 150 – 200% so với ngày thường. Các bệnh chủ yếu trẻ thường mắc phải là bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy do virus, đặc biệt là các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là do ảnh hưởng từ thời tiết quá lạnh, trong khi sức đề kháng của trẻ kém hơn so với người lớn và sự chủ quan trong phòng tránh bệnh mùa đông và giữ ấm cơ thể cho trẻ.

Trong những ngày này, tình trạng một giường bệnh có tới 4 -5 bệnh nhân nằm chung đã trở nên bình thường ở khoa Nhi. Để hạn chế tình trạng quá tải, các bác sĩ đã tiến hành nhiều biện pháp như: phân loại đối tượng bệnh nhân, đối với cháu bệnh quá nặng sẽ cho nhập viện ngay, còn đối với các cháu bệnh ở mức trung bình sẽ ưu tiên cho trường hợp ở quá xa bệnh viện thì mới nhập viện. Còn với các cháu bị viêm phổi thông thường ở trên địa bàn Hà Nội sẽ được bác sĩ kê thuốc, cho điều trị ngoại trú, trung bình 2 ngày đến bệnh viện khám lại một lần.

Theo bác sĩ, trẻ dưới 2 tháng tuổi là đối tượng khó phát hiện ra bệnh vì có trẻ ít biểu hiện bệnh ra bên ngoài mà chỉ biểu hiện qua một số triệu chứng khác như: bú kém, thân nhiệt hạ, quấy khóc. Nên nhiều gia đình khi bế con đến khám thì bệnh đã quá nặng, có trẻ phải cho thở bằng bình ôxi.

Để hạn chế tình trạng trẻ mắc bệnh về mùa đông, bác sĩ Dũng khuyến cáo: Trong những ngày trời lạnh, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài đường, đặc biệt chú ý giữ ấm cho con. Song cũng cần lưu ý như có thể cha mẹ thấy lạnh, nhưng trẻ lại thấy nóng, nên đôi khi việc mặc quá nhiều quần áo cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh. Không tắm cho trẻ quá lâu, nên tắm trong phòng kín. Khi trẻ tắm xong, cần lau nhanh bằng khăn khô. Đồng thời giữ nhà cửa thông thoáng khí, cho trẻ ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng.

Với những trẻ mắc bệnh về đường hô hấp, thường có biểu hiện rõ rệt là thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu thở nhanh thường quy định:

-         Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi: tiêu chuẩn thở nhanh là trên 60 nhịp/phút

-         Đối với trẻ từ 2 tháng – 1 tuổi: tiêu chuẩn thở nhanh là trên 50 nhịp/phút

-         Đối với trẻ từ 1 tuổi – 5 tuổi: tiêu chuẩn thở nhanh là trên 40 nhịp/phút

Dấu hiệu rút lõm lồng ngực: khi vén áo trẻ lên, quan sát trẻ hít thở thấy lồng ngực lõm sâu. Hoặc thấy cánh mũi trẻ thở phập phồng khác thường, đầu gật gù, bú kém, mệt hơn ngày thường, kèm ho, sốt cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám.

Với những trẻ bị tiêu chảy: vẫn tiếp tục cho trẻ ăn uống đủ chất. Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, không uống nước có ga. Uống oresol để bù lại nước và chất điện giải. Cần pha và uống đúng cách theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nếu thấy tình trạng bệnh của trẻ không tiến triển, cần đưa ngay tới cơ sở y tế để thăm khám kịp thời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thời tiết rét đậm kéo dài khiến giá rau tăng
Thời tiết rét đậm kéo dài khiến giá rau tăng

(VOV) -Tăng mạnh nhất phải kể đến nhóm rau như rau cần, cải soong vì đây là các loại rau được người tiêu dùng ưa thích

Thời tiết rét đậm kéo dài khiến giá rau tăng

Thời tiết rét đậm kéo dài khiến giá rau tăng

(VOV) -Tăng mạnh nhất phải kể đến nhóm rau như rau cần, cải soong vì đây là các loại rau được người tiêu dùng ưa thích

Người dân Thủ đô đổ xô đi sắm hàng chống rét
Người dân Thủ đô đổ xô đi sắm hàng chống rét

(VOV) - Các mặt hàng chống rét như quạt sưởi, túi sưởi, quần áo, phụ kiện chống rét, chăn đệm… trở nên đắt khách hơn bao giờ hết.

Người dân Thủ đô đổ xô đi sắm hàng chống rét

Người dân Thủ đô đổ xô đi sắm hàng chống rét

(VOV) - Các mặt hàng chống rét như quạt sưởi, túi sưởi, quần áo, phụ kiện chống rét, chăn đệm… trở nên đắt khách hơn bao giờ hết.

Chăm nuôi bệnh nhân trong cái rét thấu xương ở thủ đô
Chăm nuôi bệnh nhân trong cái rét thấu xương ở thủ đô

(VOV) - Nhiệt độ giảm sâu dưới 10oC cộng với mưa nhỏ khiến những người chăm nuôi bệnh nhân trong bệnh viện co ro, vạ vật chống rét

Chăm nuôi bệnh nhân trong cái rét thấu xương ở thủ đô

Chăm nuôi bệnh nhân trong cái rét thấu xương ở thủ đô

(VOV) - Nhiệt độ giảm sâu dưới 10oC cộng với mưa nhỏ khiến những người chăm nuôi bệnh nhân trong bệnh viện co ro, vạ vật chống rét

Bệnh viện tăng cường phòng chống rét cho bệnh nhân
Bệnh viện tăng cường phòng chống rét cho bệnh nhân

(VOV) -Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Bệnh viện lão khoa Quốc gia cho biết: Việc giữ ấm cho bệnh nhân được quan tâm hàng đầu 

Bệnh viện tăng cường phòng chống rét cho bệnh nhân

Bệnh viện tăng cường phòng chống rét cho bệnh nhân

(VOV) -Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Bệnh viện lão khoa Quốc gia cho biết: Việc giữ ấm cho bệnh nhân được quan tâm hàng đầu